Thủ tướng: Khắc phục sở hữu chéo - ngân hàng đại chúng dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán

15:58 | 18/12/2013 Print
“Muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn khắc phục sở hữu chéo”.

hoi nghi ngan hang 2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Trong năm 2013 có nhiều kết quả đó. Nhưng hệ thống ngân hàng đã an toàn, lành mạnh chưa, còn khả năng đổ vỡ hay không? Tôi thấy cái này là vẫn còn đấy, chứ không phải nói phơi phới được đâu. Ảnh: VGP

Sáng nay (18/12), Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị tổng kết toàn ngành và định hướng nhiệm vụ năm 2014. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến nhiều nội dung đáng chú ý.

“Xử lý nợ xấu còn nặng nề, khó khăn”

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở khoảng 4,6%. Nhưng Thủ tướng quan ngại, xét theo các tiêu chí giám sát thì con số thực hơn là 8%; một số tổ chức quốc tế như IMF và WB ước tính khoản 7%.

“Để trở giảm nợ xấu về 2-3% như Thống đốc báo cáo trước Quốc hội thì còn nặng nề, còn khó khăn lắm”, Thủ tướng nhìn nhận. Như từng nêu tại hội nghị ngành ngân hàng trước đây, một nguyên nhân chính của nợ xấu là do tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn của một số ông chủ, cổ đông lớn trong hệ thống.

Đánh giá về hệ thống ngân hàng hiện nay, Thủ tướng nói rằng: “Trong năm 2013 có nhiều kết quả đó. Nhưng hệ thống ngân hàng đã an toàn, lành mạnh chưa, còn khả năng đổ vỡ hay không? Tôi thấy cái này là vẫn còn đấy, chứ không phải nói phơi phới được đâu. Theo tôi biết có một số ngân hàng nếu không quyết liệt, bản thân không tự tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hỗ trợ nhưng đúng luật pháp, thì sẽ khó khăn”.

Để xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận nỗ lực trích lập dự phòng và tự xử lý của các tổ chức tín dụng hai năm qua, cũng như kết quả bước đầu của VAMC. Nhưng về căn bản, yêu cầu lâu dài là phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống triệt để, xử lý được tình trạng sở hữu chéo.

“Sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng, nhưng giải quyết bằng cách gì? Bằng văn bản pháp quy chứ bằng cách gì! Ngăn chuyện rút vốn của cổ đông lớn phải bằng luật pháp. Thấy không lành mạnh rồi thì phải ngăn, phải hoàn thiện thể chế. Muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn khắc phục sở hữu chéo. Nếu đúng thì các đồng chí ban hành văn bản quy định bắt buộc. Đây là pháp luật. Anh không chần chừ được nữa, anh phải niêm yết”, Thủ tướng nhấn mạnh hướng xử lý.

Về hướng này, Thủ tướng nói thêm rằng: “Tôi biết là khó khăn lắm, vì thực tiễn phong phú lắm, vì muốn ban hành một văn bản nào đó thì phải xem tác động của chính sách. Nhưng nếu không quyết liệt hoàn thiện thể chế thì sẽ quản lý không tốt, khó khắc phục các tồn tại yếu kém”.

Kiên quyết ổn định tỷ giá và quản lý thị trường vàng

Ngoài yêu cầu nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước năm 2014 là kiềm chế lạm phát ở khoảng 6,5-7%. Đây cũng là cơ sở để giữ ổn định lãi suất và tỷ giá.

“Ổn định tỷ giá, cần ổn định tương đương như hai năm vừa rồi. Năm vừa rồi VND giảm 1,3% là phù hợp. Năm nay cũng chỉ khoảng đó thôi”, Thủ tướng chỉ đạo, bên cạnh yêu cầu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối.

Với thị trường vàng, người đứng đầu Chính phủ đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã quản lý tốt trong năm 2013. Ông nói: “Chúng ta có thể nói là đã thành công bước đầu, bước quan trọng về quản lý thị trường vàng. Vừa qua là đúng hướng, đúng Nghị định 24. Cái này chúng ta muốn rất lâu rồi mà chưa được, nhưng năm nay chúng ta làm có kết quả rất rõ”.

Về định hướng chung, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, Ngân hàng Nhà nước dứt khoát phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Mặc dù có nhiều sức ép “nói này nói khác”, nhưng Chính phủ phải kiên quyết điều này. Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu.

Các ngân hàng thương mại cũng dứt khoát là không được huy động và cho vay vàng. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã bóc được vốn vàng ra khỏi bảng cân đối của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là điểm kết cuối cùng cho hoạt động này.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý thị trường vàng, để làm sao không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, tác động đến tỷ giá, đến lãi suất. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu để có giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân cư, chuyển thành nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Chính sách tiền tệ đã điều hành hiệu quả. Đó là thành công của Ngân hàng Nhà nước, của hệ thống ngân hàng hai năm qua, đặc biệt năm 2013. Tôi tin rằng các đồng chí có thực tiễn kinh nghiệm để hiệu quả hơn nữa, gắn với các chính sách tài khóa, vĩ mô khác để đảm bảo các mục tiêu trên. Tôi tin các đồng chí đã làm được những cái tốt thời gian qua thì sẽ tiếp tục làm tốt trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận.

Kim Ngân

Kim Ngân

© Thời báo Tài chính Việt Nam