Thay đổi cơ chế quản lý thị trường vàng: Đừng mơ!

13:01 | 18/12/2013 Print
Ngân hàng Nhà nước không dễ gì từ bỏ quyền lực có được sau khi trải qua nhiều sóng gió và định hình được khung quản lý.

vang trang suc

Từ năm 2014, sau vàng miếng, có thể đến lượt thị trường vàng nữ trang cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh TLĐT

Sau nhiều ý kiến đề nghị “trả lại vàng cho thị trường” phản ánh gần đây, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước bước đầu cũng đã đưa ra câu trả lời… không ngoài dự tính.

“Chưa có ý định”

Sau một năm rưỡi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, gần đây nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét từng bước thay đổi cơ chế quản lý, “trả lại vàng cho thị trường”.

Khuyến nghị trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập xong hệ thống kinh doanh và các điểm giao dịch vàng miếng; chấm dứt huy động và cho vay vàng, hay loại vàng ra khỏi bảng cân đối của các tổ chức tín dụng; đã tổ chức hơn 70 phiên đấu thầu để tạo cung và bình ổn thị trường…

Cơ sở sâu xa của khuyến nghị là quan ngại chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh qua độc quyền sản xuất và xuất nhập khẩu, đấu thầu vàng miếng. Về lâu dài, sự chồng chéo này có thể dẫn tới rủi ro. Thứ nữa là quan ngại việc chi ngoại tệ nhập khẩu vàng về cho đấu thầu, dự trữ ngoại hối hao hụt và vàng vẫn tun tút ra đi, trong khi chênh lệch giá vẫn chưa được thu hẹp thực sự.

Theo đó, việc thay đổi quản lý thị trường vàng bằng những biện pháp thị trường thay cho các biện pháp hành chính, xây dựng các giải pháp để thu hút và sử dụng nguồn lực vàng trong nền kinh tế là hướng đặt ra ở những khuyến nghị có trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trả lời tại buổi họp báo tổng kết năm ngày 16/12 vừa qua, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: “Việc thay các biện pháp hành chính bằng các biện pháp thị trường cho đến giờ chúng tôi chưa có ý định, vì thị trường vẫn hoạt động tốt, thông suốt và các lợi ích của người dân được đảm bảo”.

Mặt khác, lãnh đạo vụ chuyên trách này nhấn mạnh rằng, việc quản lý thị trường vàng vẫn thực hiện theo đúng yêu cầu và quy định có tại Nghị định 24 của Chính phủ. “Những tháng gần đây, sự mất cân đối - cung cầu vàng miếng đã giảm đáng kể; tất nhiên vẫn còn mất cân đối và chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp”, ông Huy nói.

Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước đã tạo lập được một thị trường vàng miếng, nắm trong tay những quyền lực mà Nghị định 24 trao, cũng như thành quả tạo lập được đó, nên một sự từ bỏ, hay thay đổi như những khuyến nghị trên là khó xẩy ra. Hay như khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy là “chưa có ý định”.

Nếu trả, trả như thế nào?

Ngay từ khi triển khai Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã trải qua nhiều sóng gió. Dư luận phản ứng với nhiều ý kiến trái chiều, xoay quanh câu chuyện độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC đến độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng; những ồn ào khi chuyển đổi vàng “phi SJC”; căng thẳng tổ chức đấu thầu song song với áp lực tất toán trạng thái vàng tại các ngân hàng thương mại; cho đến vấn đề thu hẹp chênh lệch giá so với thế giới và nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao…

Qua nhiều sóng gió đó, như Ngân hàng Nhà nước tự đánh giá, thị trường vàng kể từ sau khi triển khai Nghị định 24 đã dần được bình ổn, hạn chế được những tác động bất lợi đối với các vấn đề vĩ mô, hạn chế được tình trạng vàng hóa, nắm được nguồn thu lớn từ chênh lệch giá nộp ngân sách…

Quan trọng hơn, cơ quan này đã tạo lập được một thị trường vàng miếng, nắm trong tay những quyền lực mà Nghị định 24 trao, cũng như thành quả tạo lập được đó, nên một sự từ bỏ, hay thay đổi như những khuyến nghị trên là khó xẩy ra. Hay như khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy là “chưa có ý định”.

Nhưng, đặt ở một tình huống ngược lại, ở dạng giả thiết: nếu Ngân hàng Nhà nước “trả lại vàng cho thị trường” thì sẽ trả như thế nào?

Thứ nhất, trả lại cơ chế cho bất cứ doanh nghiệp nào đủ lực và có đăng ký kinh doanh đều có thể tự dập vàng miếng ra bán như trước. Điều này là không thể, bởi Ngân hàng Nhà nước không dễ từ bỏ sự độc quyền hiện có, gắn với việc sản xuất ở thương hiệu vàng miếng SJC. Mặt khác, mở bung trở lại cho sản xuất, vàng nhập lậu thẩm thấu sẽ rất khó quản lý!?

Thứ hai, cho các đầu mối trở lại nhập khẩu qua cơ chế cấp hạn ngạch. Tình huống này cũng khó khả thi bởi nhiều lẽ.

Hoạt động nhập khẩu vàng của các đầu mối sẽ tác động đến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, tác động bất lợi tới tỷ giá và gây những xáo trộn ngoài mong muốn.

Cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nếu trở lại như trước cũng dễ nảy sinh bất cập, vấn đề lợi ích nhóm khi doanh nghiệp được nhập, doanh nghiệp thì không; nơi được hạn ngạch cao, nơi được thấp như từng có ở nhiều đợt tổ chức những năm trước!?

Còn liên quan đến chênh lệch giá, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu, thu chênh lệch và nộp vào ngân sách nhà nước. Điều này hẳn cũng khó từ bỏ, dù chênh lệch giá vẫn là một hạn chế!?

Thứ ba, như trên, Ngân hàng Nhà nước đã trải qua nhiều sóng gió để đưa một thị trường gần như tự do từng bước vào quản lý, nên chắc chắn họ không thể trả lại nguyên trạng như trước, nhất là khi gắn với yêu cầu chống vàng hóa trong nền kinh tế. Thậm chí, từ năm 2014, sau vàng miếng, có thể đến lượt thị trường vàng nữ trang cũng sẽ bắt đầu được xử lý theo hướng quản lý chặt chẽ hơn.

Như quan điểm mà lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối đưa ra nói trên, “vẫn hoạt động tốt, thông suốt và các lợi ích của người dân được đảm bảo”; sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước là ở thị trường sơ cấp, các thành viên và người dân tham gia ở thị trường thứ cấp.

Như vậy, có thể khẳng định, ít nhất trong năm 2014, “đừng mơ” Ngân hàng Nhà nước sẽ thay đổi cơ chế quản lý thị trường vàng.

Nhưng như giả thiết trên, nếu trả lại hay thay đổi cơ chế thì tình huống nào khả dĩ nhất?

Thời gian qua, nhiều chuyên gia cùng xem thị trường vàng Trung Quốc là một điển hình, hay là một mẫu hình mà Việt Nam có thể tham khảo. Sau khi siết quản lý, Trung Quốc cũng đã buộc phải tự do hóa thị trường vàng, sàn giao dịch vàng hoạt động mạnh và sôi động.

Tuy nhiên, có thể thấy khác biệt rất lớn ở mẫu hình đó. Bởi lẽ, Trung Quốc là nước khai thác và sản xuất vàng lớn nhất thế giới, vượt qua cả Nam Phi. Đây cũng là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, chiếm tới trên 30% tổng dự trữ ngoại hối của cả thế giới. Còn Việt Nam, lượng vàng tự khai thác và sản xuất trong nước không đáng kể, chủ yếu là lệ thuộc vào nhập khẩu; trong khi đó dự trữ ngoại hối dù tăng nhanh trong hai năm qua nhưng vẫn còn rất mỏng (khoảng hơn 30 tỷ USD).

So sánh trên là quá khập khiễng. Trong khi đó, thay vì nhìn theo mẫu hình trên để “trả lại vàng cho thị trường”, một quốc gia khác là Ấn Độ lại cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam khi siết lại quản lý thị trường vàng những năm gần đây, sau khi chịu hết nổi sự khuynh đảo của vàng đối với nền kinh tế…

Tuy nhiên, như định hướng mà Ngân hàng Nhà nước từng đề cập, một giải pháp lâu dài khắc phục những hạn chế của thị trường vàng Việt Nam là thành lập một sàn giao dịch quốc gia, cùng với các sản phẩm phái sinh.

Và có thể cũng như Trung Quốc, cơ chế của sàn giao dịch này sẽ chặt chẽ khi áp tỷ lệ ký quỹ 100%, đồng nghĩa với việc loại trừ các yếu tố đòn bẩy tài chính, vay mượn vốn để có thể khuếch đại những rủi ro.

Hiện chưa rõ khi nào Ngân hàng Nhà nước mới thực sự bắt tay vào kế hoạch trên. Còn trước mắt, cơ chế quản lý thị trường vàng sẽ rất khó để thay đổi.

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam