Năm 2014, tín dụng và tỷ giá không nhiều thay đổi?

08:49 | 19/11/2013 Print
Một số chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng và tỷ giá USD/VND sẽ không có nhiều thay đổi trong năm 2014 so với 2013.

Như đề cập ở bản tin trước, ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo chuyên đề về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, những khuyến nghị cho năm 2014 - 2015.

Tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định?

Cũng như tại một số hội thảo, tọa đàm về chính sách tiền tệ gần đây, sự ổn định của tỷ giá USD/VND trong hơn hai năm qua là điểm nhấn mà các chuyên gia đề cập tới.

“Quá bất ngờ” là góc nhìn của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khi đề cập đến vấn đề tỷ giá tại buổi hội thảo hôm qua (18/11). Bởi lẽ, trước thời điểm ngày 11/2/2011, tỷ giá USD/VND liên tục biến động, căng thẳng và có những điều chỉnh mạnh; sau đó cho đến nay là hơn hai năm “quá ổn định”, hay “một đường kẻ thẳng” - theo cách nói của chuyên gia này.

“Về tỷ giá, tôi đánh giá cao việc giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước. Cam kết hai năm liên tiếp đã được thực hiện, là một trong những yếu tố rất quan trọng để cả xã hội, trong nước và ngoài nước người ta tin vào sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ít nhất là trên lĩnh vực tỷ giá”, ông Ánh nói.

Nhưng, tới đây điều hành như thế nào?

Chuyên gia Vũ Đình Ánh dự tính, nếu Việt Nam không thay đổi cách thức xuất khẩu, nhập khẩu, vẫn dựa vào vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay, thì chính sách tỷ giá hối đoái không cần phải thay đổi.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước xem cân nhắc hai phương án điều hành giai đoạn trước và sau ngày 11/2/2011 (ngày gắn với sự kiện phá giá VND tới 9,3%). Giai đoạn trước theo ông Ánh thì có vẻ thị trường hơn, nhưng giai đoạn sau thì kẻ một đường thẳng băng. Ở đây, cần so sánh cái được và cái không được giữa hai cách thức điều hành đó để có chính sách tỷ giá hợp lý hơn.

hoithaotiente
Toàn cảnh Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành CSTT năm 2014 - 2015”. Ảnh: SBV

Cùng dự báo trên, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, tin tưởng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong dài hạn, ít nhất là trong hai năm tới 2014 và 2015.

Cụ thể, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2013, tức chỉ còn hơn một tháng nữa, ở mức khoảng 21.250 VND; đến cuối năm 2014 ở khoảng 21.500 VND và đây cũng là mức được kỳ vọng sẽ ổn định tương đối trong năm 2015.

Đi cùng với dự báo trên, ông Sumit Dutta lạc quan khi tính toán dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cải thiện nhanh và mạnh, từ mức khoảng 30 tỷ USD năm 2013 lên 35 tỷ USD năm 2014 và lên tới 40 tỷ USD vào năm 2015.

Ngoài các lợi thế về điều kiện chính trị, tự nhiên, dân số lao động…, chuyên gia của HSBC nhấn mạnh đến việc giữ tỷ giá ổn định là một nhân tố quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam. Bằng chứng là lượng vốn đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng khá mạnh trong năm 2013.

Để làm nổi bật hơn lợi thế thu hút vốn ngoại đó, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra so sánh: Việt Nam là quốc gia có đồng tiền ổn định thứ ba trong khu vực (tính đến tháng 8/2013), sau Trung Quốc và Hồng Kông. Tính đến thời điểm trên, VND mới chỉ mất giá 1,5% kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền nhiều quốc gia khác mất giá mạnh và gây quan ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài, như Nhật Bản (11,17%), Indonesia (12,68%), Australia (14,5%), Ấn Độ (15,47%)…

Trong khuôn khổ của hội thảo có chủ đề rất rộng trên, các ý kiến không tập trung phân tích cụ thể các yếu tố dự báo sẽ tác động đến tỷ giá USD/VND trong năm tới. Song, dự báo chung là sẽ tiếp tục ổn định.

Tôi nhớ trong ngân hàng vừa rồi có câu: “Vay thì đứng, đến khi đòi nợ thì quỳ”. Tôi sợ rằng tới đây nếu không kiểm soát tốt câu chuyện tăng trưởng tín dụng thì vay phải quỳ, cho vay cũng phải quỳ, kiếm được ông tốt không dễ lại phải quỳ, đến khi đòi nợ thì có lẽ nằm luôn.

vudinhanh

Chuyên gia Vũ Đình Ánh

“Ngân hàng đã cho vay hết cỡ”

Về tăng trưởng tín dụng, điểm chung đưa ra tại hội thảo trên là chỉ tiêu 12% năm nay khó hiện thực, khi thời gian còn lại của năm rất ngắn, mà thực tế thực hiện mới chưa đầy 8%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cùng quan điểm rằng: con số tăng trưởng tín dụng là không quan trọng, chỉ tiêu 12% không nên xét đến ở áp lực hoàn thành bằng mọi giá, hay không nên xem đó là mức sàn để đánh giá thành tích của Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu quan điểm: “Tuần rồi họp “G14” (14 ngân hàng lớn - PV) để tìm cách đẩy tín dụng lên. Tôi chia sẻ với các ngân hàng là hết cỡ rồi. Có đại biểu Quốc hội, có bác quan chức bảo ngân hàng phải tìm doanh nghiệp nào hoạt động tốt đi. Vâng, tôi cho rằng, hơn ai hết, ngân hàng có động lực để tìm chứ, vì đó là cách sống, nguồn sống của họ. Họ không cho vay thì họ làm gì? Khổ lắm, khách hàng tốt hiếm lắm!”.

Ông Vũ Đình Ánh nhìn nhận, với triển vọng tín dụng như hiện nay thì có thể đạt 10%. Đây cũng là mức mà một số chuyên gia cho là phù hợp trong năm 2014. Nhưng đó không phải mục tiêu, điểm quan trọng nhất không phải là con số.

Chuyên gia này quan ngại: “Nhiều người nói về chất lượng tín dụng. Chất lượng cũng có nhiều chuyện lắm. Rồi xử lý nợ xấu. Nhưng lo nhiều hơn là đừng để cho nợ xấu phát sinh. Nếu hạ chuẩn, hạ điều kiện, nới tín dụng thì ba hoặc sáu tháng sau nợ xấu sẽ phát sinh thêm”.

Nhớ lại đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại muốn có chỉ tiêu xông xênh nên đã làm mẫu số tín dụng tham chiều cuối năm 2011 lớn lên. Ông Ánh cho đây là một phản ứng đơn giản. Thế nhưng năm 2013, rồi dự báo 2014 và cả đến 2015, tình hình đã khác.

“Tôi nhớ trong ngân hàng vừa rồi có câu: “Vay thì đứng, đến khi đòi nợ thì quỳ”. Tôi sợ rằng tới đây nếu không kiểm soát tốt câu chuyện tăng trưởng tín dụng thì vay phải quỳ, cho vay cũng phải quỳ, kiếm được ông tốt không dễ lại phải quỳ, đến khi đòi nợ thì có lẽ nằm luôn”, ông Vũ Đình Ánh ví von về tình thế nhiều doanh nghiệp khó khăn, sức khỏe kém đi nên khó đáp ứng điều kiện vay vốn, cũng như khó hấp thụ vốn - điều trái ngược với mong muốn đẩy cao tăng trưởng tín dụng hiện nay và cho năm tới.

Nguyễn An

Nguyễn An

© Thời báo Tài chính Việt Nam