Ngơ ngác với đấu thầu vàng

10:50 | 09/09/2013 Print
Ngân hàng Nhà nước đột ngột tạm ngừng đấu thầu vàng miếng. Hẳn thị trường đang đặt câu hỏi: Điều gì đang và sẽ xẩy ra?

Sau 57 phiên liên tiếp với nhịp độ khá đều mỗi tuần kể từ 28/3/2013, tuần qua Ngân hàng Nhà nước đột ngột ngừng hoạt động đấu thầu vàng miếng và hiện chưa rõ khi nào mở lại.

Trong các thông tin bình luận trên thị trường, nhiều câu hỏi được đặt ra: Ngân hàng Nhà nước đã đạt được mục tiêu bình ổn thị trường và quyết định tạm ngừng? Lượng vàng dùng để đấu thầu là có hạn và cần điều tiết sau khi đã bán ra khoảng 56 tấn? Thị trường có mất cân đối cung - cầu hay không bởi nguồn tạo hàng duy nhất tạm ngừng? Tới đây, hoạt động đấu thầu sẽ tiến hành ra sao?...

Bỗng nhiên… “mất điện”!

“Bản thân tôi cũng đang ngơ ngác, chưa thể trả lời được những câu hỏi đó vì không có thông tin”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở khu vực phía Nam, từng tham gia đấu thầu những phiên vừa qua, trả lời khi phóng viên tìm hiểu.

Còn từ phía Ngân hàng Nhà nước, thông tin chính thức về sự tạm ngừng đó, hay định hướng tổ chức đấu thầu vàng thời gian tới hiện vẫn chưa được công bố, hoặc sẽ không công bố.

Trao đổi với một đại diện thành viên tham gia đấu thầu khác, tình huống nhận được là một so sánh thú vị: “Chúng ta đang xem phim ở rạp. Đến hồi hấp dẫn thì… mất điện. Phản ứng của khán giả là ngồi im và chờ đợi. Tuy nhiên, nếu một thời gian mà nhà rạp không có thông báo hay phát đi tín hiệu nào, chắc chắn khán giả sẽ xì xào rồi nhốn nháo…”.

Vấn đề mà đại diện trên gián tiếp đề cập là thông tin và định hướng của hoạt động đấu thầu vàng hiện nay. Nếu vẫn tiếp tục tạm ngừng, nhà tổ chức đấu thầu vẫn im lặng, thị trường có thể sẽ chuyển từ trạng thái cầm chừng và nghe ngóng sang xáo trộn. Không loại trừ khi có xáo trộn thì lại bỗng nhiên… “có điện”.

Kể từ ngày 28/3/2013, thị trường vàng Việt Nam bắt đầu có dòng chảy mới: đấu thầu vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước. Nó trở thành một dòng chảy chính, có tác động lớn tới các cân đối và giá cả trên thị trường. Song, từ bấy đến nay, thông tin về một hoạt động có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với thị trường lại khá hạn chế. Ngoài các thông báo phát đi trước thềm các phiên, cùng thông báo kết quả sau đó, tuyệt nhiên không có thêm cơ sở nào để có thể định hình đường đi nước bước của hoạt động đấu thầu. Sự tạm ngừng trong tuần qua, cũng như hiện chưa rõ khi nào mở lại, là ví dụ điển hình.

... việc tạm ngừng trở nên khó hiểu khi mà nhu cầu của thị trường vẫn còn. Cụ thể, những phiên đấu thầu gần đây vẫn được vét gần trọn và chưa có dấu hiệu dư cung. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực về sự “chảy máu” của dự trữ ngoại hối do vàng, thì điều đó cũng không thể tránh khỏi, bởi hiện nay họ là đầu mối duy nhất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, tạo cung cho thị trường.

Thị trường vàng đang thiếu thông tin về một yếu tố có sức ảnh hưởng lớn. Các thành viên tham gia thiếu cơ sở để định hình các quyết định, ứng xử của mình, mà phía sau đó là giá trị tài sản hay hiệu quả đầu tư của họ. Dù có thể nhà điều hành đang chống vàng hóa, không khuyến khích nắm giữ hay đầu tư vàng thì đó vẫn là quyền lợi của người dân, nhà đầu tư.

Thị trường sẽ trả lời

Có thể đặt ra một số giả thiết dẫn tới sự tạm ngừng trên. Sau 57 phiên với khoảng 56 tấn vàng đưa ra, nhu cầu đã được đáp ứng đáng kể và thị trường đang tương đối cân bằng. Điều đó thể hiện ở cung - cầu không có biểu hiện mất cân đối lớn, khiến giá biến động không mạnh. Mức giá tuần không đấu thầu vừa qua chỉ dao động trong biên độ hẹp, từ 38,4 - 38,5 triệu đồng/lượng. Thị trường đã ổn định nên tạm ngừng đấu thầu?

Hai là, với khoảng 56 tấn vàng ứng với trên dưới 2,8 tỷ USD “hụt đi” của dự trữ ngoại hối do phải chi ngoại tệ nhập về cho đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước áp lực cân đối?

Ba là, việc tạm ngừng đấu thầu có thể là một “ứng xử kỹ thuật” để thăm dò phản ứng thị trường, nếu vẫn ổn thì ngừng tiếp, nếu có xáo trộn thì trở lại cũng không muộn?

Với hai giả thiết đầu, việc tạm ngừng trở nên khó hiểu khi mà nhu cầu của thị trường vẫn còn. Cụ thể, những phiên đấu thầu gần đây vẫn được vét gần trọn và chưa có dấu hiệu dư cung. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực về sự “chảy máu” của dự trữ ngoại hối do vàng, thì điều đó cũng không thể tránh khỏi, bởi hiện nay họ là đầu mối duy nhất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, tạo cung cho thị trường.

Và nếu tạm ngừng đấu thầu, kéo dài khoảng trống cung hàng, lực cầu sẽ dồn nén mà đến một mức độ nào đó sẽ phản ánh lên giá, cụ thể là ở chênh lệch giá trong nước so với thế giới. Ngay trong tuần qua, khi ngừng đấu thầu, thị trường đã cho câu trả lời: chênh lệch giá lại nới rộng từ 2,1 - 2,4 triệu lên 3 - 3,4 triệu đồng/lượng.

Ở đây cho thấy, khi đã có cơ hội, Ngân hàng Nhà nước lại “buông súng” mà không thừa thắng xông lên, và dường như thu hẹp chênh lệch giá không phải là ưu tiên hiện nay (?).

Ở giả thiết thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ngừng đấu thầu để thăm dò thị trường? Nếu vậy đó không hẳn là cách thăm dò tối ưu.

Một cách ngược lại sẽ cho kết quả thực tế hơn. Đó là hoạt động đấu thầu vẫn đều đặn diễn ra, đến một mức độ nào đó, nhu cầu được đáp ứng một cách đầy đủ, lượng chào bán sẽ dư thừa, mức độ dư thừa mới là câu trả lời đích thực của thị trường, khi đó việc ngừng đấu thầu sẽ thuyết phục hơn.

Còn nay, đột ngột tạm ngừng đấu thầu, thị trường tạm thời ngơ ngác vì thiếu thông tin. Nếu việc tạm ngừng kéo dài và vẫn thiếu thông tin định hướng, không chừng thị trường sẽ có phản ứng bất lợi như tình huống mất điện ở rạp chiếu phim nọ…

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam