Sớm hoàn thiện cơ chế chống rửa tiền

11:16 | 29/08/2013 Print
Nếu không nhanh chóng có những tiến triển về cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều bất lợi trong hoạt động giao dịch tài chính với nước ngoài và điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí của quốc gia.

USD

Cần sớm hoàn thiện cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Đây là những thông tin được ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại buổi hội thảo về kiến thức phòng, chống rửa tiền (PCRT) do Ngân hàng Nhà nước phối hợp Hiệp hội Ngân hàng, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 28/8.

Nhiều bất lợi khi ở trong danh sách 2

Ông Ngọc cho biết kể từ tháng 5/2007, Việt Nam đã là thành viên của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Từ 6-20/11/2008, APG đã tiến hành đánh giá cơ chế PCRT của Việt Nam theo 40+9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), một cơ quan liên chính phủ. Theo đó, Việt Nam đã tuân thủ toàn bộ 1 khuyến nghị; tuân thủ phần lớn 3 khuyến nghị; tuân thủ một phần 25 khuyến nghị; không tuân thủ 18 khuyến nghị và không áp dụng 2 khuyến nghị.

Dựa trên các đánh giá và việc tuân thủ khuyến nghị của Việt Nam, FATF đã đưa Việt Nam vào danh sách 2, là danh sách các quốc gia có thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế PCRT và chống tài trợ cho khủng bố và không có tiến triển trong việc giải quyết những thiếu hụt hoặc không thực hiện đúng kế hoạch hành động đã cam kết với FATF.

Theo ông Ngọc, việc bị xếp vào danh sách này kể từ tháng 6/2012 đã khiến cho các giao dịch tài chính của Việt Nam tại nước ngoài gặp nhiều bất lợi, làm tăng chi phí của cả quốc gia.

Đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế

Trên thực tế, kể từ năm 2011, Việt Nam đã có nhiều tiến triển đáng kể trong việc PCRT và chống tài trợ cho khủng bố theo khuyến nghị quốc tế. Từ tháng 8/2011, Việt Nam đã có luật hình sự hóa một cách toàn diện về tội rửa tiền, hình sự hóa một cách toàn diện tài trợ cho khủng bố, nâng cấp các điều khoản nêu trong Bộ Luật hình sự, tiến hành dự thảo Luật Chống khủng bố và thực thi Luật này, xây dựng khung pháp lý đầy đủ nhằm phong tỏa các quỹ được sử dụng vào tài trợ cho khủng bố và phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo) vào tháng 12/2011. Ban hành Luật phòng, chống rửa tiền vào tháng 12/2012.

Ông Ngọc cũng cho biết, theo khuyến nghị số 29 của FATF, Cục PCRT thuộc NHNN đã và đang làm việc chặt chẽ với các định chế báo cáo để họ tăng cường tuân thủ trách nhiệm báo cáo. Cung cấp đào tạo cho nhân viên của Cục PCRT nhằm nâng cao nghiệp vụ và hỗ trợ phân tích cũng như chuyển giao các thông tin hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ điều tra về rửa tiền, tài trợ khủng bố...

Hiện nay, những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm giải quyết là thực hiện các qui định theo Khuyến nghị đặc biệt II, III của FATF; Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp...

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường thể chế (ban chỉ đạo PCRT; Cục PCRT; các cơ quan điều tra, tố tụng và thi hành án), chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, ông Ngọc chia sẻ./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam