Góc khuất của nợ xấu

10:07 | 21/08/2013 Print
Một phần của thực trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn lẩn khuất đâu đó. Minh bạch thực sự trong vấn đề này vẫn chưa dành cho số đông. Với công chúng, bức tranh toàn diện về nợ xấu đang trở nên... xa xỉ bởi sự hạn chế của thông tin, hay mức độ có hạn của sự minh bạch.

“Một bức tranh toàn diện về thực trạng nợ xấu ngân hàng chưa bao giờ được đưa ra”, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, từng nhìn nhận như vậy trong bản tham luận về vấn đề nợ xấu ở các ngân hàng thương mại Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân diễn ra đầu năm nay.

Nhìn nhận trên được giải thích từ thực tế nhạy cảm của nợ xấu, nó có thể thay đổi hàng ngày hoặc theo góc nhìn của người/cơ quan đánh giá.

Còn với công chúng, bức tranh toàn diện về nợ xấu đang trở nên xa xỉ bởi sự hạn chế của thông tin, hay mức độ có hạn của sự minh bạch.

“Kín” thông tin, rõ lo ngại

Ngày 11/11/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 35 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là một cuộc “cách mạng thông tin” trong chính sách tiền tệ, khi nhiều dữ liệu và chỉ số quan trọng của hệ thống lần đầu tiên được đều đặn công bố và cập nhật, bắt đầu từ 1/4/2012.

Theo quy định tại Thông tư 35, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế sẽ được công bố định kỳ hàng tháng, thời hạn công bố là trong vòng 45 ngày kể từ khi kết thúc tháng báo cáo. Đến nay, đã hơn 50 ngày kể từ 30/6/2013, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 6/2013 vẫn chưa được cập nhật.

Khi bản thân cơ quan quản lý còn chưa chặt trong quy định công bố thông tin, thì cũng dễ hiểu vì sao đến thời điểm này vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2013. Vậy nên, một góc khuất của nợ xấu vẫn tồn tại.

Song không vì thế mà diễn biến phức tạp hơn, đáng lo ngại hơn của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khuất đi. Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cho thấy, nợ xấu tiếp tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay, thậm chí tăng mạnh tại nhiều thành viên.

Ở khối quốc doanh, tốc độ gia tăng nợ xấu cũng thể hiện rõ ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ 2,26% cuối 2012 lên 2,81% đến 30/6/2013, trong khi dư nợ giảm 1,47% trong kỳ; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng từ 1,46% lên 2,1%.

Trong số các thành viên đã công bố, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) gây bất ngờ khi có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 2,69% cuối năm 2012 lên tới 5,28% tính đến 30/6/2013, góp phần giải thích vì sao lợi nhuận của ngân hàng này giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Nợ xấu tại một số ngân hàng cổ phần lớn cũng tăng mạnh trong kỳ, như tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ 1,89% lên 2,5%; Ngân hàng Quân đội (MB) từ 1,86% lên 2,45%; Ngân hàng Á châu (ACB) từ 2,5% lên 2,99%.

Bên cạnh Techcombank, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, tăng từ 5,6% cuối 2012 lên 6,1% tính đến 30/6/2013; Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sau khi sáp nhập Habubank nợ xấu vẫn chưa thể xử lý, khi tăng từ 8,51% lên 9,04%.

Ở khối quốc doanh, tốc độ gia tăng nợ xấu cũng thể hiện rõ ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ 2,26% cuối 2012 lên 2,81% đến 30/6/2013, trong khi dư nợ giảm 1,47% trong kỳ; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng từ 1,46% lên 2,1%. Riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,77% xuống 2,57%, chủ yếu do mở rộng tổng dự nợ còn con số tuyệt đối của nợ xấu vẫn chưa cải thiện.

Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), nợ xấu đến 30/6/2013 vẫn là một ẩn số. Đây là thành viên chiếm tới hơn 15% tổng dư nợ của toàn hệ thống mức độ co hoặc đẩy đối với tỷ lệ chung là rất lớn.

Ngoài Agribank, hiện vẫn còn khoảng phân nửa các ngân hàng thương mại chưa hoặc không công bố báo cáo tài chính, nên một phần diễn biến nợ xấu vẫn bị khuất đi, nhất là ở nhóm các ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu.

Và dù chiếm tỷ trọng không lớn, song ẩn số nợ xấu còn có ở khối các công ty tài chính, mà biểu hiện của nó là các chỉ số an toàn xấu đi rất nhiều qua các kỳ cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước…

Còn nhiều biến số

Vẫn còn góc khuất khiến việc định hình bức tranh toàn diện về nợ xấu hiện nay trở nên khó khăn. Nhưng ngay cả khi có thể định hình, thực tế lại có những biến số làm thay đổi “gam màu” của nó.

Tại cuộc trao đổi với giới chuyên môn gần đây, phó tổng giám đốc một ngân hàng nêu quan điểm rằng, việc siết chặt hơn quy định về phân loại nợ cần bám sát thực tế hơn. Ví dụ mà ông đưa ra là một doanh nghiệp gặp khó khăn với khoản vay ở ngân hàng nọ, nhưng tại ngân hàng mình vẫn tốt và được đánh giá là có triển vọng. Theo đó, nếu cùng xếp nợ của khách hàng này theo nhóm rủi ro cao hơn ở ngân hàng kia thì “oan”.

Thế nhưng, ý kiến của vị phó tổng giám đốc trên gặp quan điểm phản biện trái chiều, rằng: nếu anh đã khó trả nợ một khoản thôi thì các khoản khác cũng cần nâng cao mức cảnh báo. Theo đó, tất cả các khoản nợ đều phải xếp vào nhóm rủi ro cao như với khoản khó trả. Đây cũng là tinh thần chính của Thông tư 02 mà hiện Ngân hàng Nhà nước đang cho hoãn áp dụng.

Ví dụ trên cũng là khác biệt giữa các ngân hàng thương mại hiện nay trong phân loại nợ. Cùng một khách hàng có nhiều khoản vay tại các tổ chức tín dụng khác nhau, nhưng có thể vướng nợ xấu ở chỗ này mà vẫn tốt ở chỗ kia. Đây cũng là một biến số mà khi làm rõ, thống nhất lại trong toàn hệ thống thì chắc chắn tỷ lệ nợ xấu sẽ còn cao hơn nhiều.

Và cũng do Thông tư 02 hoãn áp dụng, nên hiện nay một số khoản thực chất là nợ xấu tại một số ngân hàng vẫn còn “treo” mà chưa tính vào tỷ lệ báo cáo. Đó là những khoản tiền gửi liên ngân hàng chưa thu hồi được, hoặc đã được cơ cấu lại và chuyển thể thành tiền vay.

Một biến số khác là các khoản nợ được cơ cấu lại theo cơ chế của Quyết định 780 mà không phải chuyển sang nhóm có rủi ro cao hơn. Đã hơn một năm thực hiện cơ chế Quyết định 780 song vẫn chưa có báo cáo cập nhật mức độ trì hoãn của dạng này đối với nợ xấu, hay tỷ lệ được “tái sinh” khi được trao cơ hội cơ cấu lại là bao nhiêu?

Và một biến số nữa là các khoản nợ được khoanh, cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines - dễ nhận thấy ở các khoản mục còn để ngỏ trong thuyết minh báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại, với chú giải chờ hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước…

Vậy nên, với nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay, thực khó để định lượng một cách đầy đủ với góc khuất cùng những biến số như vậy.

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam