Xử lý nợ xấu: Nếu nhanh còn cứu được

11:00 | 15/08/2013 Print
Xử lý nợ xấu có thể ví như chữa căn bệnh ung thư, nếu chữa sớm thì có thể cứu được, ngược lại càng muộn thì càng khó chữa. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu hiện nay không hề dễ dàng khi còn vướng về mặt pháp lý .

No xau

Tại cuộc hội thảo bàn về vấn đề nợ xấu do Viện Đào tạo nhân lực ngân hàng tài chính tổ chức mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật Basico, nguyên Phó Tổng giám đốc Maritime Bank - đã trao đổi về những khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam. * Theo ông, quá trình xử lý nợ xấu của VN hiện đang gặp những khó khăn gì, đặc biệt là về mặt pháp luật ? Bình thường việc xử lý nợ xấu đã rất khó khăn, hiện nay càng khó khăn hơn khi quá trình xử lý ngày càng bộc lộ những thiếu sót về mặt hệ thống pháp lý. Chẳng hạn, một khoản nợ đã có công chứng, giao dịch bảo đảm, đã làm đầy đủ các thủ tục pháp lý và ngân hàng giữ giấy tờ sở hữu chính. Thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì ngân hàng gần như không có một quyền gì mà phải phụ thuộc vào bên chủ tài sản. Nếu như họ không hợp tác, ngân hàng gần như không thể thu giữ hay phát mại được tài sản. Đặc biệt khi cần nhờ đến cơ quan pháp luật, thì ngay cả với một vụ việc bình thường, không có gì phức tạp hay vướng mắc, để ra được bản án, phát mại được tài sản cũng phải mất một vài năm. Chính vì thế, nợ xấu càng trầm trọng. Đáng lẽ có thể xử lý một khoản nợ xấu đã có đầy đủ căn cứ, giấy tờ trong vòng một vài tháng thì chúng ta luôn mất một vài năm mới xử lý xong. Khi một món cho vay trị giá 10 tỷ đồng giờ chỉ thu hồi được 5 tỷ đồng thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ bù lỗ, chịu trách nhiệm về việc đó. Cơ chế pháp lý hiện đang ám ảnh các ngân hàng và nếu không giải quyết được việc đó thì sẽ còn bế tắc. Luật sư Trương Thanh Đức * Việc xử lý, phát mại tài sản mất hàng năm như vậy sẽ gây khó khăn như thế nào cho ngân hàng, thưa ông? Nợ xấu không được xử lý sẽ chất chồng khoản cũ lên khoản mới, mất thời gian, mất chi phí, mất cơ hội. Như lý thuyết đã nói, nếu thị trường xuống nhanh thì sẽ lên nhanh, xử lý nhanh thì sẽ phục hồi nhanh. Nếu chúng ta không xử lý nhanh được khoản nợ, xử lý nhanh tài sản bảo đảm thì sẽ tạo ra tình trạng như các chuyên gia đã nói, sẽ không phải là một đáy mà tới hai ba đáy,rất nan giải trong tương lai. * Có ý kiến cho rằng nếu các ngân hàng sớm chấp nhận thua lỗ, thừa nhận nợ xấu sớm thì sẽ giải quyết được vấn đề sớm. Ông đánh giá thế nào về điều này ? Giải quyết nợ xấu có thể ví như chữa một căn bệnh, thậm chí có thể coi là căn bệnh ung thư. Nếu phát hiện sớm thì có cơ cứu được, càng để muộn càng khó cứu. Các ngân hàng Việt Nam giống như tình trạng không có nghề nên không chẩn đoán, tiên lượng sớm được căn bệnh, vì thế cho rằng tự mình có thể giải quyết được, rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi, mọi thứ sẽ qua đi. Vì thế, họ chưa quyết liệt giải quyết nợ xấu. Rất ít ngân hàng chấp nhận bán nợ xấu ở giá thực tế, hoặc bán tài sản bảo đảm ở cái giá rất thấp so với dự tính trước đây. Còn có một lý do liên quan đến pháp lý nữa là cơ chế trách nhiệm. Khi một món cho vay trị giá 10 tỷ đồng giờ chỉ thu hồi được 5 tỷ đồng thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ bù lỗ, chịu trách nhiệm về việc đó. Cơ chế pháp lý hiện đang ám ảnh các ngân hàng và nếu không giải quyết được việc đó thì sẽ còn bế tắc. * Để tạo thuận lợi cho việc giải quyết nợ xấu, theo ông có nên nâng cao vai trò của trọng tài thương mại (TTTM)? TTTM là một cơ chế giải quyết rất linh hoạt, nhanh chóng, họ có những chuyên gia rất giỏi trong nhiều lĩnh vực. Vị thế của TTTM cũng đã được tăng lên rất nhiều kể từ khi có luật mới năm 2010. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa quen với khái niệm này. Thực tế, các hợp đồng hầu hết thỏa thuận nếu tranh chấp sẽ ra tòa án, vì thế khi xảy ra tranh chấp hai bên rất khó ngồi lại với nhau để thương lượng đưa ra trọng tài. Nếu trước khi ký hợp đồng hoặc sau khi ký hợp đồng các bên thỏa thuận đưa ra trọng tài thì sẽ có một cơ chế giải quyết nhanh chóng và hữu hiệu hơn. Thường các vụ việc khi đưa ra trọng tài sẽ dễ dàng thi hành, dễ dàng chấp nhận phán quyết đó hơn. Cơ chế trọng tài là một cơ chế tương đối là mở, tương đối hợp tác và đỡ gây ra căng thẳng hơn cơ chế tại tòa. * Xin cảm ơn ông./.

Thanh Mai

Thanh Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam