Chịu đau một lần hay dai dẳng trong tương lai?

19:27 | 08/08/2013 Print
“Nợ xấu cũng giống như rau trong chợ, để lâu nó sẽ héo dần đi. Có nghĩa là nợ xấu sẽ mất giá dần do tiến trình xử lý chậm, theo đó việc thu hồi vốn sẽ ngày càng khó khăn hơn”. Đó là cảnh báo của Giám đốc Quản lý Đông Nam Á, tập đoàn Capital Services Group - John Sheehan, khi trao đổi về giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

John Sheehan

Ôgn John Sheehan - Giám đốc Quản lý Đông Nam Á của Capital Services Group chia sẻ về 4 giải pháp xử lý nợ xấu. Ảnh: N.K

Ông John Sheehan cho rằng, bản thân nợ xấu đã không ổn định. Thực tế thị trường thế giới đã chứng minh, ứng với các chu kỳ của ngân hàng (xuân, hạ, thu, đông tương ứng là phát triển, đỉnh cao, suy thoái và ngủ đông), hầu hết các ngân hàng thường kết thúc việc bán tài sản ở giai đoạn suy thoái và ngủ đông, bởi đó là thời kỳ bắt đầu có những khoản lỗ và lỗ sẽ bắt đầu giảm dần vào thời kỳ ngủ đông.

Khảo sát về mức độ xử lý nợ xấu toàn thế giới, các khoản nợ xấu có giá trung bình là 30 cent và cao nhất là 45 cent. Nếu biết cách bán đúng thời điểm đỉnh cao thì giá có thể đạt được là 70 cent. Chính vì vậy, việc che dấu, kéo dài số nợ xấu sẽ không có tác dụng gì đối với việc tăng giá trị của số nợ xấu, không những thế nó còn gây tổn thương cho cả nhiều bên theo thời gian.

Vấn đề là ngân hàng sẽ lựa chọn phương án nào để xử lý khi nợ xấu xuất hiện? Chịu “đau” một lần hay dai dẳng trong tương lai? Vốn mới để xử lý nợ xấu ở đâu ra? Quan trọng hơn, liệu nhà đầu tư nước ngoài sẽ trả giá bao nhiêu cho khoản nợ xấu của Việt Nam?

“Cơ sở hạ tầng tốt thì sẽ được 30-35 cent còn xấu thì chỉ đáng giá 2 cent. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bắt buộc tạo ra nền móng cũng như lập pháp, đặc biệt là hạ tầng cơ sở cho quá trình xử lý nợ xấu”, ông John Sheehan ví von.

Có 4 giải pháp tình thế, giúp Việt Nam xử lý hiệu quả nợ xấu trong trước mắt. Thứ nhất, nhận ra được giá trị thực tế của nợ xấu. Thứ hai, chịu trách nhiệm các chi phí việc xóa nợ xấu. Thứ ba, tạo ra nền móng cơ sở hạ tầng cho việc giải quyết nợ xấu. Thứ tư, đào tạo lại và đào tạo các ngân hàng về quản trị rủi ro, đặc biệt là trong xử lý nợ xấu. Tất cả đều phải được triển khai song hành, hoặc là tất cả, hoặc là không.

“Lợi ích đạt được của việc thực thi 4 giải pháp này khá nhiều, nó sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu. Phát triển nhiều hơn các nguồn vốn về trong nước cũng như thị trường tiên tiến, thu hút nguồn đầu tư vào các ngân hàng địa phương. Tìm lại niềm tin cho thị trường, giúp các ngân hàng tiếp tục quay trở lại cho vay, quan trọng là nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại bền vững”, ông John Sheehan nhấn mạnh./.

Ngô Kiến

Ngô Kiến

© Thời báo Tài chính Việt Nam