Thử lý giải cho đấu thầu vàng

17:36 | 06/08/2013 Print
Tròn 50 phiên đấu thầu với gần 52 tấn vàng miếng đã được tung ra thị trường, song chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới vẫn chưa thể thu hẹp như mục tiêu đặt ra. Còn vàng đấu giá tung ra đến đâu, hết đến đấy. Nhu cầu vàng vẫn như "thùng không đáy"!?

Lựa chọn chính sách

Đặt giả định, tối hôm nay giá vàng thế giới rơi 5%. Điều gì xẩy ra với giá vàng trong nước mở cửa sáng hôm sau?

Có hai tình huống xẩy ra vào sáng hôm sau: một là, giá trong nước lập tức bắt đúng nhịp diễn biến giá thế giới, giảm tương ứng; hai là, giá trong nước có độ ì lớn, chênh lệch giá doãng rộng.

Với thị trường vàng Việt Nam, không còn "nhạy cảm" với thị trường thế giới như trước, diễn biến giá nghiêng về tình huống thứ hai. Thực tế độ ì của nó đã quá quen thuộc trong thời gian qua, thậm chí còn có cả khả năng tăng ngược.

Từ đầu năm 2013 đến nay, giá vàng thế giới đã cho thấy khả năng rơi cỡ 5% qua một đêm là không còn hiếm, thậm chí còn có hôm rơi tới 9% như đêm 15/4 vừa qua.

Theo tình huống thứ hai, Ngân hàng Nhà nước lại rơi vào thế không đảm bảo được sát giá như yêu cầu của Quốc hội (đảm bảo giá trong nước sát giá thế giới). Bởi giá thế giới rơi 5% còn giá trong nước vẫn ì ra, như vậy chênh lệch giá lại doãng rộng. Theo đó, cách duy nhất là ồ ạt cung vàng ra thị trường để đè giá.

Trong tình huống giả định trên, thực tế đã diễn ra thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước phải luôn chạy theo thị trường, chạy theo giá vàng thế giới, phải đảm bảo cho được yêu cầu sát giá.

Quá khó, bởi có nhiều vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, cơ quan quản lý sẽ phải dùng một nguồn lực lớn với nhiều rủi ro chi phí để ứng xử với biến động. Thứ hai, chính sách đối với thị trường vàng trở nên thụ động. Thứ ba, dịch chuyển toàn bộ cú rơi 5% đó về đồng nghĩa với thị trường trong nước lung lay theo thế giới, dễ tạo một vùng trũng giá hút dòng người rồng rắn xếp hàng mua vàng, tiền lại đổ vào vàng mà liên quan là thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chọn “ứng xử tĩnh”. Họ không chạy theo những biến động đó và giá vàng trong nước có đời sống độc lập hơn với thế giới.

Chênh lệch giá qua những biến động có những lúc doãng rất rộng, nhưng đổi lại là sự ổn định. Lãi suất, tỷ giá và thanh khoản hệ thống không còn bị chao đảo theo những cú rơi trên thị trường thế giới.

Theo đó, chính sách đã điều hành thị trường theo mục tiêu ổn định chung, thay vì chạy theo thị trường mà lãi suất, tỷ giá và thanh khoản hệ thống, hay những ổn định kinh tế - xã hội có thể bị rung lắc theo nó. Đánh đổi ở đây là yêu cầu sát giá (trong nước với quốc tế) đã không được hoàn thành nhiệm vụ.

Ở đây là sự lựa chọn của chính sách. Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước xác định bình ổn thị trường (giữ ổn định và hạn chế những tác động bên ngoài như tình huống giả định trên) chứ không bình ổn giá (chạy theo biến động).

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiên trì tổ chức đấu thầu…

Còn thiếu cung thì còn tổ chức đấu thầu...?

Nói là kiên trì bởi đã 50 phiên, gần 52 tấn ứng với gần 2,5 tỷ USD đã ra đi. Nguồn sử dụng cho đấu thầu là dự trữ ngoại hối quốc gia, nó vẫn đang “chảy máu” qua vàng, trong khi phải gánh nhiều cân đối quan trọng khác.

Giả dụ, sắp tới, tổng lượng đưa ra đấu thầu là 100 tấn, đồng nghĩa với dự trữ ngoại hối hụt đi 5 tỷ USD. Một chuyên gia từng chua chát khi nói về con số này rằng, nếu có 5 tỷ USD như vậy đầu tư cho an ninh quốc phòng, hẳn vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa trong khu vực. Nhưng nó lại chôn thêm vào vàng!

Rộng hơn, ngoại tệ cứ chảy đi theo vàng, dự trữ hụt đi mà nếu phá vỡ giới hạn sẽ tạo những hệ lụy. Phải qua nhiều năm Việt Nam mới đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về mức dự trữ ngoại hối tối thiểu, đảm bảo từ 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế. Rơi dưới ngưỡng này, hạn mức tín nhiệm quốc gia có thể bị ảnh hưởng, chi phí vay vốn quốc tế sẽ đắt đỏ hơn, hay mức độ tin cậy để thu hút đầu tư nước ngoài cũng có thể giảm sút…

Nhưng, 100 tấn cũng phải bán! Lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định rằng: "thị trường còn thiếu cung thì vẫn tổ chức đấu thầu".

Vì sao vẫn phải bán? Vì theo cơ chế hiện hành, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối duy nhất, độc quyền tạo cung cho thị trường. Vì sao thiếu cung, hay đã gần 52 tấn bán ra mà vẫn như “thùng không đáy”?

Thiếu cung là dễ hiểu, gần 52 tấn vẫn là quy mô nhỏ. Bởi lẽ, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, bình quân mỗi năm thị trường vàng Việt Nam cần 100 tấn. Hơn hai năm qua bị nén cung căng thẳng, không có một lượng vàng miếng nào mới được đưa ra, ngoại trừ nhập lậu ngạch nữ trang. Tính toán đơn giản và tương đối, nhu cầu hai năm dồn lại cỡ 200 tấn, nay mới gần 52 tấn thì chưa thể lấp đầy.

Nhìn ngược lại, chỉ dùng gần 52 tấn đó để giữ ổn định thị trường, bóc tách được những xáo trộn, bất ổn của lãi suất, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng hay các cân đối vĩ mô khỏi tác động của vàng như từng căng thẳng những năm trước đây, đó lại là một kết quả đáng chú ý.

Hay ở góc nhìn khác, mức độ vàng hóa trong nền kinh tế đáng lẽ hơn hai năm qua nhồi thêm cỡ 200 tấn vàng, thì đến nay chỉ gần 52 tấn.

Song, quan sát những phiên đấu thầu gần đây cho thấy, nhu cầu vàng đã có hơi hướng giảm. Tổng khối lượng đặt thầu trước đây có từ 40 - 50 nghìn lượng/phiên, thì gần đây chỉ quanh 30 nghìn lượng.

Vàng đấu thầu vẫn bị vét hết, bởi nhiều ngân hàng đã trở lại mua vàng cho kinh doanh.

Được biết, trong số gần 52 tấn đó, thực tế chỉ hơn 10 tấn là thực sự cung ra thị trường, phần lớn còn lại là các ngân hàng tất toán và trả cho người dân. Hơn 10 tấn mà trải cho hàng nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc của các ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng, thì rõ ràng khối lượng vàng này cũng bị "dát" ra quá mỏng.

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam