Blue-chips nỗ lực giữ điểm tăng, thanh khoản mất hút

16:28 | 28/07/2021 Print
Thị trường biến động liên tục trong phiên hôm nay dưới áp lực bán ngắn hạn nhưng kết thúc vẫn là một phiên tăng điểm. Tuy vậy cũng phải nhìn vào thực tế là điểm số do vài mã lớn đẩy lên, còn dòng tiền thực sự rất kém.

CKVCB đảo chiều bất ngờ

Cổ phiếu nâng đỡ VN-Index tăng điểm hôm nay là VCB. Mặc dù cũng có khá nhiều cổ phiếu blue-chips khác tăng giá, trong đó có cả cổ phiếu ngân hàng, nhưng diễn biến suy yếu dần của nhóm này không thật sự đem lại động lực cho chỉ số. VCB là mã duy nhất bật tăng mạnh dần về cuối phiên, ngược với chiều trượt dốc của đa số mã khác.

Cổ phiếu ngân hàng đã tạo đáy hay chưa là một ẩn số, nhưng mức giảm thì khá lớn. VCB là một trong những cổ phiếu giảm nhiều nhất của nhóm, bốc hơi 18,4% giá trị từ đầu tháng tính đến mức đóng cửa hôm qua. Nếu quan sát dài hơn thì ngưỡng 94.000-95.000 đồng là vùng giá kéo dài suốt từ tháng 3 tới tháng 5 vừa rồi khi VCB lạc nhịp với con sóng thần của cổ phiếu ngân hàng.

Vì vậy có thể nhà đầu tư bắt đáy VCB trong vùng giá cũ và nhà đầu tư thua lỗ cũng không muốn bán. VCB hôm nay giữ giá khá tốt buổi sáng trước khi bật tăng mạnh 2,11% lúc đóng cửa. Gần như toàn bộ mức tăng này VCB có được ở nhịp đi lên buổi chiều. Trong khi đó VN-Index lại trồi sụt liên tục và kết phiên tăng có 0,14 điểm.

VCB tăng mạnh mà cũng chỉ đủ đưa VN-Index vượt nhẹ tham chiếu chứng tỏ phần còn lại của thị trường khá yếu. Ngoài VCB có CTG cũng tăng 1,2%, HDB tăng 1,2%. Thực tế hai mã này đều không duy trì được đà tăng mạnh nhất đến hết phiên. Các mã ngược chiều trong nhóm là VPB giảm 1,2%, STB giảm 0,7%, EIB giảm 0,6%, TCB giảm 0,1%.

Biến động bất ngờ nhất của VCB chính là ở đợt đóng cửa khi giá được kéo tăng mạnh. VN-Index nhờ có biến động này mà nhảy qua được tham chiếu, xác lập một phiên tăng dù chỉ là 0,14 điểm.

Nhóm blue-chips hôm nay có số mã giảm nhiều hơn tăng và thật sự không nhiều mã trụ đủ sức kéo chỉ số. VIC tăng 0,86% là chưa đủ vì VHM giảm mạnh 1,21%. BID tăng 0,75%, HPG tăng 1,08% thì VNM giảm 0,69%, VRE giảm 1,63%. FPT, MSN, MWG, NVL đều là các cổ phiếu khá lớn. VN30-Index kết phiên vẫn phải giảm 0,17% so với tham chiếu.

Mặt khác thị trường hôm nay vẫn có cổ phiếu giảm nhiều hơn. Ngay cả khi VN-Index có thể được kích lên bằng một vài mã lớn, thì hàng trăm mã khác cần có dòng tiền thật sự mới tăng nổi. HoSE đóng cửa với 140 cổ phiếu tăng nhưng tới 214 cổ phiếu giảm.

Thanh khoản bốc hơi

Thị trường lình xình đi ngang và cổ phiếu phân hóa đang được xem là một tín hiệu khá ổn định sau nhịp giảm gấp gáp vừa qua. Nhà đầu tư bắt đáy tùy cổ phiếu vẫn có thể có lời. Điều này tạo một sự an tâm nhất định rằng rủi ro đã giảm bớt.

Tuy nhiên thị trường thật sự tạo đáy hay chưa lại là vấn đề khác. Rất khó phân biệt giữa một nhịp nghỉ xen kẽ trong quá trình giảm với một đáy thật sự. Trong giới giao dịch thường gọi là “đáy giả”. Chẳng hạn lúc này VN-Index có đáy thấp nhất tuần trước ở 1225 điểm và VN-Index hiện ở 1277 điểm. Đáy tuần trước đã thực sự là điểm kết thúc của nhịp sụt giảm từ đầu tháng 7, nhưng chưa chắc đã là kết thúc của xu hướng giảm đang diễn ra.

Do tính khó đoán định nên thường nhà đầu tư sẽ ưu tiên chiến lược phòng thủ. Đó là đứng ngoài giữ tiền, hoặc chỉ giao dịch “văn nghệ” với khối lượng nhỏ. Dòng tiền trên thị trường do vậy sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này đã được chứng minh suốt nhiều tuần nay.

Hôm nay giao dịch hai sàn tiếp tục giảm xuống ngưỡng thấp mới với hơn 13 ngàn tỷ đồng. Trung bình tuần trước mức khớp lệnh gần 18,5 ngàn tỷ đồng/phiên đã là rất thấp. Dù đánh giá thị trường như thế nào qua các phân tích, thì điều cuối cùng vẫn là có dám xuống tiền hay không. Nếu không dám mua tức là lo sợ rủi ro. Vì vậy hoặc thị trường đi ngang với thanh khoản rất thấp kéo dài hoặc giảm sâu hơn thì nhà đầu tư cầm tiền mới quan tâm trở lại.

chứng khoán 28-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

11.485 tỷ đồng (-30%)

361,9 triệu (-30%)

1.527 tỷ đồng (-29%)

62,3 triệu (-31%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam