Hồi là bán, lực cản còn rất nhiều

16:43 | 27/07/2021 Print
Phiên tăng thứ hai trong tuần này đã không thực sự thành công. Thị trường có tín hiệu bán gia tăng khi giá phục hồi cũng có nghĩa là nhà đầu tư mắc kẹt bớt lỗ. Rất nhiều cổ phiếu đã phải hạ độ cao về cuối phiên, là một biểu hiện rõ ràng của áp lực bán.

CKNgân hàng sôi động trở lại

Điểm tích cực nhất trong phiên tăng nhẹ hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu dò đáy. Rất nhiều mã ngân hàng từ chối tăng giá trong phiên đầu tuần, nhưng hôm nay đã khởi sắc trở lại.

VCB lại là cổ phiếu ngân hàng quan trọng nhất đi ngược dòng. VCB giảm giá 1,04% lúc đóng cửa là một thiệt thòi lớn. Thực ra cổ phiếu này cũng có những phút khá hoành tráng, đóng góp lớn cho thị trường. Buổi sáng cổ phiếu này có lúc tăng 1,67% so với tham chiếu, là một trong những yếu tố dẫn dắt VN-Index tăng cao. Áp lực xả tăng vọt trong buổi chiều đẩy giá giảm dần và đợt ATC giảm quyết định hơn 1%.

Phần còn lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt. Các mã thuộc rổ VN30 tăng cao là STB tăng 1,39%, TCB tăng 1,53%, TPB tăng 3,65%, CTG tăng 1,09%, MBB tăng 0,74%. Tuy vậy rất ít mã trong số này đang đem lại lợi nhuận T+3 an toàn cho nhà đầu tư bắt đáy. Nổi bật là STB đang lãi 3,9%, nhưng các mã còn lại đều lỗ.

Nhóm ngân hàng nhỏ trên các sàn khác tăng rất ấn tượng: NVB tăng 5,7%, VIB tăng 3%, BVB tăng 2,8%, ABB tăng 2,7%, LPB tăng 2,4%, SSB tăng 2,2%...

Cổ phiếu ngân hàng cũng quay lại nhóm thanh khoản tốt nhất. STB dẫn đầu về giá trị khớp lệnh hai sàn với 866,3 tỷ đồng. VPB, TCB cũng lọt top 5 thanh khoản. Dĩ nhiên so với giai đoạn sôi động, nhóm ngân hàng đã sụt giảm thanh khoản rất nhiều. Ít nhất hôm nay thanh khoản tăng lên cũng cho thấy có giao dịch đầu cơ ngắn hạn xuất hiện sôi động hơn.

Mặc dù tăng khá đồng loạt, nhưng vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không thật sự rõ ràng. Lý do là các mã quan trọng nhất thì lại kém, như VCB giảm 1,04%, BID tăng 0,5%, đây là 2 mã ngân hàng lớn nhất. VPB, cổ phiếu quan trọng nhất của VN30-Index cũng chỉ tăng 0,53%.

Điều này có thể thấy ảnh hưởng ngay trong phiên chiều. Khi VCB, VPB, BID không thể nâng đỡ VN-Index được thì các trụ khác suy giảm ngay lập tức tạo áp lực. VN-Index đang từ mức tăng 1,235 tụt áp chỉ còn tăng 0,33%. Đó là do VHM giảm tới 1,64%, VNM giảm 1,57%, MWG giảm 1,43%.

Phục hồi kỹ thuật, tăng là bán?

VN-Index bốc hơi khá nhiều điểm số trong buổi chiều thậm chí đóng cửa sát điểm thấp nhất. Không chỉ là câu chuyện chỉ số, cổ phiếu cũng điều chỉnh theo đáng kể, xác nhận áp lực bán xuất hiện.

Thống kê hẹp trong rổ VN30 hôm nay, không có bất kỳ cổ phiếu nào duy trì được mức giá cao nhất đến trọn phiên. Cùng với đà suy yếu chung được thể hiện qua VN-Index, cổ phiếu cũng tụt giá hàng loạt. Dù không phải cổ phiếu nào cũng giảm so với tham chiếu, nhưng việc tăng cao đầu phiên rồi lao dốc cuối phiên luôn phản ánh áp lực gia tăng từ phía bán.

Cụ thể, trong 30 cổ phiếu blue-chips, 25 cổ phiếu bốc hơi hơn 1% giá trị chỉ từ sáng đến chiều. Những mã điều chỉnh mạnh từ đỉnh đầu phiên tới trên 2% là VPB, VNM, VCB, STB, SSI, SBT, PNJ, PDR, MWG, CTG. Nhiều trong số này vẫn đóng cửa cao hơn tham chiếu, nhưng việc trả lại thị trường với một biên độ lớn như vây nghĩa là lực bán không nhỏ.

Hiện tượng canh bán lúc giá hồi lại là điều thường thấy. Nhà đầu tư bắt đáy có thể nhìn từ góc độ phục hồi để lướt sóng, nhưng nhà đầu tư đang mắc kẹt trên đỉnh lại coi đó là cơ hội để thoát ra và bớt lỗ. Đây là sự xung đột lớn giữa phía mua lướt sóng và những người cắt lỗ. Nhà đầu tư cắt lỗ có sẵn cổ phiếu và sẵn sàng bán bất kỳ lúc nào. Ngược lại, người bắt đáy mới cần phải đợi hàng về. Hiệu ứng chung sẽ tập trung vào các ngày T+3 có lãi vì giá có lãi đồng nghĩa với cả hai nhóm nhà đầu tư này đều có lợi: Người bắt đáy có lãi thực (vì có thể chốt được ngay) và người mắc kẹt bớt lỗ. Do đó hiệu ứng tăng bán khi giá tăng cao là điều sẽ còn xảy ra nếu thị trường tiếp tục đi lên.

chứng khoán 27-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

16.362 tỷ đồng (+15%)

519,9 triệu (+13%)

2.146 tỷ đồng (+31%)

90,3 triệu (+26%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam