Cổ phiếu ngân hàng phá hỏng phiên phục hồi rực rỡ

16:21 | 26/07/2021 Print
Những nỗ lực đảo chiều trong phiên đầu tuần đáng lẽ đem lại kết quả rực rỡ hơn mức tăng chưa tới 4 điểm ở VN-Index, nếu như cổ phiếu ngân hàng không giảm nhiều như vậy.

CKTiền không vào cổ phiếu ngân hàng

Phiên tăng hôm nay giúp khá nhiều cổ phiếu không gây lỗ cho nhà đầu tư bắt đáy khi hàng về tài khoản. Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục khiến nhà đầu tư “đứt tay”. Đó chính là lý do khiến dòng tiền bắt đầu thận trọng, thay vì nhao vào bắt đáy nhóm này.

Nhìn lại suốt những tuần đầu tháng 7, cổ phiếu ngân hàng lao dốc cực mạnh và hôm nào cũng có cầu bắt đáy cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên những phiên gần đây thanh khoản nhóm này suy giảm nhiều, kể cả khi giá càng lúc càng trở nên hấp dẫn hơn nếu muốn mua.

Hôm nay trong khi hàng loạt cổ phiếu giảm đầu phiên và đảo chiều tăng cuối phiên thì nhóm ngân hàng rất hiếm cổ phiếu tăng được. Duy nhất HDB chốt phiên tăng 0,46%, NVB tăng 1,8%, OCB tăng 0,2%. Nhóm hồi lại được tới tham chiếu là STB, BAB, EIB, PGB, SHB.

Gần 20 cổ phiếu ngân hàng còn lại đóng cửa trong sắc đỏ. VCB giảm 1%, CTG giảm 1,1%, MBB giảm 2%, VPB giảm 3,1%, VIB giảm 4,1%, SSB giảm 3,1%, KLB giảm 1,9%, TCB giảm 1%...

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm thanh khoản cao nhất thị trường, nhưng so với chính nó thì không có gì ấn tượng, thậm chí là đang sụt giảm. Thanh khoản tốt nhất phiên này là TCB với 14,4 triệu cổ tương ứng giá trị khớp 707 tỷ đồng, thấp hơn lượng giao dịch bình quân 20 ngày khoảng 45%. VPB khớp 9,3 triệu cổ, giảm tới 49% so với bình quân... Nhiều cổ phiếu ngân hàng bị “đá văng” ra khỏi TOP 10 giá trị khớp lệnh hai sàn như CTG, ACB, TPB.

Trong khi thanh khoản sụt giảm mạnh thì hàng loạt cổ phiếu ngân hàng cũng đang tìm đáy thấp nhất trong nhiều tháng. Giá giảm đáng lẽ là cơ hội mua, nhưng nhà đầu tư không mua nhiều đồng nghĩa với việc không coi đó là cơ hội. Lượng tiền bắt đáy và mắc kẹt ở cổ phiếu ngân hàng là quá nhiều, nên việc “trục vớt” nhóm này có thể cần phải được chiết khấu nhiều hơn nữa về giá.

Blue-chips nổi lên, thị trường đảo chiều diện rộng

Blue-chips của VN-Index không chỉ riêng cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này gần đây niêm yết hàng loạt nên rất đông, giá lại tăng nhiều nên vốn hóa tăng. Thế nhưng trước khi có cổ phiếu ngân hàng thì thị trường cũng có nhiều cổ phiếu trụ khác.

Hôm nay đà kéo được đặt lên vai hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác ngoài ngân hàng: VHM tăng 1,86%, VNM tăng 1,48%, MSN tăng 1,76%, NVL tăng 4,37%. Một số cổ phiếu blue-chips khác tăng không nhiều nhưng mức độ đảo chiều cũng rất tích cực, làm giảm áp lực lên chỉ số như VIC tăng 0,19%, GAS 0,34%, VJC tăng 0,53%...

VN-Index đảo chiều thành công vượt tham chiếu ngay từ giữa phiên chiều. Kéo theo đó là hàng trăm cổ phiếu cũng bật tăng. Dù chỉ số kết phiên chỉ trên tham chiếu 3,88 điểm nhưng việc cổ phiếu đảo chiều là tín hiệu rất tốt. Nếu các cổ phiếu ngân hàng hỗ trợ hoặc chỉ cần không giảm, điểm số cũng sẽ tăng rất tốt.

Tuy vậy việc điểm số hồi lại bao nhiêu không quan trọng bằng cổ phiếu phục hồi. Nhà đầu tư sẽ thích cổ phiếu tăng giá hơn là chỉ số tăng điểm mà danh mục vẫn lỗ. Với khối lượng cổ phiếu mắc kẹt rất nhiều, nhà đầu tư cần cơ hội để cắt lỗ. Vì vậy giá cổ phiếu mới quan trọng.

Mặc dù có mức phục hồi tốt, cổ phiếu tăng giá nhiều, nhưng thị trường vẫn không thể hiện sự hào hứng nào rõ nét. Thanh khoản hai sàn đang tụt xuống mức thấp kỷ lục với hơn 15,8 ngàn tỷ đồng. Giao dịch tương đương khoảng một nửa thời kỳ đỉnh cao cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền.

Do mức điều chỉnh giá khá lớn từ đầu tháng 7 nên cơ hội được đánh giá là khác nhau. Mừng nhất lúc này có lẽ là các nhà đầu tư đang mắc kẹt, khoản lỗ sẽ giảm bớt. Nhà đầu tư bắt đáy cũng vui mừng nhưng thận trọng rất cao vì rõ ràng là đang có nhiều người cũng canh me mức tăng giá để thoát hàng. Phần còn lại là những nhà đầu tư bàng quan, giữ tiền nghỉ ngơi. Thanh khoản sụt giảm nhiều tức là nhóm giữ tiền vẫn đang quan sát.

chứng khoán 26-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.205 tỷ đồng (-21%)

461,1 triệu (-16%)

1.636 tỷ đồng (-17%)

71,6 triệu (-18%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam