Định giá thị trường đã ở mức hấp dẫn nhưng rủi ro còn hiện hữu

16:41 | 23/07/2021 Print
Theo các chuyên gia chứng khoán, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã ở mức hấp dẫn và khi dịch Covid-19 hiện tại được kiểm soát, thị trường có khả năng phục hồi rất nhanh.

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh vấn đề này.

* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán vừa chứng kiến một đợt điều chỉnh khá mạnh, từ vùng đỉnh 1.420,27 điểm ngày 2/7 về 1.268,83 điểm. Ông nhận định như thế nào về nguyên nhân của đợt điều chỉnh này?

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 8 này, có khả năng thị trường sẽ quay lại mốc kỳ vọng 1.456 đến 1.500 điểm.

minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh: Nguyên nhân của đợt điều chỉnh này chủ yếu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đợt dịch này khác với những lần trước, khi xảy ra ở những khu vực trọng điểm, trong đó có TP.Hồ Chí Minh - địa phương đóng góp nhiều vào GDP, đo đó có thể tác động tới mục tiêu GDP đạt 6,5% của cả nước. Dịch xuất hiện trong các tháng 5,6,7 đến nay đã tác động ít nhiều tới mục tiêu cả năm đó là yếu tố chính khiến thị trường giảm mạnh.

Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, một chất xúc tác khiến đà rơi lớn hơn là yếu tố magin (cho vay ký quỹ). Theo quan sát, từ cuối tháng 6 lượng đòn bẩy của các công ty chứng khoán đều rất cao thậm chí nhiều công ty full magin.

Yếu tố thứ 2, thanh khoản của thị trường phần lớn đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Hiện nay tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm khoảng 80% tổng toàn thị trường, do đó thị trường phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân luôn có phản ứng rất mạnh với những thông tin xấu, do đó những tin về dịch bệnh đã phản ánh khiến biên độ biến động của thị trường rất mạnh như chúng ta từng chứng kiến trong 4 đợt trước. Đợt đầu là tháng 3-4 năm 2020, tháng 7 năm 2020 và tháng 1 năm 2021 và đây là lần thứ 4 thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng.

* PV: Với những phiên giảm mạnh như vậy, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0), khi liên tục bị rơi vào tình trạng bắt đáy lại xuất hiện đáy mới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Vào thời điểm tháng 6, P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) của thị trường vào khoảng 18, do đó thị trường không còn hấp dẫn như giai đoạn trước, đồng nghĩa với việc rủi ro của thị trường cũng tăng lên.

Theo tôi ở thời điểm hiện nay nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc nhà đầu tư mới tham gia (F0) vào thị trường dùng chung đòn bẩy sẽ có độ rủi ro rất cao, kể cả khi bắt đáy. Theo đó, những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm không nên hoặc chỉ sử dụng đòn bẩy ở mức thấp để tránh ảnh hưởng tới danh mục chung mỗi khi thị trường rơi nhanh với biên độ lớn.

Bên cạnh đó, việc tham gia bắt đáy cũng chỉ nên tham gia với tỷ trọng cực nhỏ để thăm dò. Bản thân nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng không nên bắt đáy, nhà đầu tư F0 càng không nên bắt đáy để tránh tình trạng bắt dao rơi, bắt đáy ở ngưỡng hỗ trợ này lại thủng ngưỡng hỗ trợ khác về mức đáy mới, chỉ nên tham gia khi thị trường đã xác định được xu hướng rõ ràng.

* PV: Thông tin về kết quả kinh doanh quý II thường là một thông tin tích cực hỗ trợ thị trường, tuy nhiên giai đoạn hiện nay khi mà kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp công bố với kết quả khả quan, cổ phiếu vẫn giảm mạnh. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

Ông Nguyễn Thế Minh: Yếu tố dịch bệnh và tâm lý của nhà đầu tư cá nhân là những yếu tố chính tác động tới xu hướng của thị trường. Với thị trường hiện tại, thông tin kết quả kinh doanh quý II được công bố mặc dù có khả quan nhưng cũng không còn quá nóng như quý I nhất là những nhóm ngành ngân hàng, thép, hoặc chứng khoán. Đó cũng là lý do khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với thông tin và cũng chưa sẵn sàng xuống tiền vì chưa có sự đột biến bởi những thông tin đó cũng đã được dự báo trước.

Giai đoạn hiện tại, khi công bố kết quả kinh doanh II, PE lũy kế 4 quý gần nhất nhiều khả năng rơi dưới mức 16 lần, P/E của thị trường từ 2020 tới nay xấp xỉ 16,1 lần và đang ở mức hấp dẫn. Mặc dù định giá hấp dẫn nhưng nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà tham gia vì vẫn lo ngại dịch bệnh kéo dài. Định giá để thấy thị trường đã chiết khấu đủ hấp dẫn để tham gia, nhưng không có nghĩa đây là vùng đáy của thị trường.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong những tháng còn lại của năm 2021?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong những tháng cuối năm, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 8 này, có khả năng thị trường sẽ tăng trưởng với mốc kỳ vọng 1.456 đến 1.500 điểm. Tuy nhiên nếu kịch bản xấu, dịch kéo dài hết quý III thì mức tăng trưởng của thị trường kém đi và có thể ở mức 1.420 vùng đỉnh cũ trước đó.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam