Hàng T3 cấp tập chốt lời, VN-Index đánh mất 24,84 điểm

16:16 | 23/07/2021 Print
Phiên giao dịch cuối tuần đứng trước thời điểm khá nhạy cảm mà nhà đầu tư bắt đáy phải ra quyết định: Lần đầu tiên bắt đáy hàng về có lãi nhưng thị trường lại bị chắn ngang bởi 2 ngày nghỉ mà tin xấu thường xuất hiện. Giữ lại hay chốt lời ngay?

CK“Tiền trong túi là tiền thật”

“Lãi trên giấy” là điều nhà đầu tư ngắn hạn rất quen thuộc. Đó là khi cổ phiếu nắm giữ (đã về tài khoản hoặc chưa) có lãi. Đây là lãi ước tính chứ không phải lãi thật, vì lãi thật chỉ đếm được khi bán đi thành công. Trong rất nhiều trường hợp thì lãi thật nhỏ hơn lãi trên giấy nhiều, nhất là khi biến động thị trường quá mạnh.

Nhà đầu tư bắt đáy thấp nhất hôm 20/7 đã có cổ phiếu về tài khoản và sẵn sàng giao dịch hôm nay. Rất nhiều cổ phiếu lãi khá tốt tính đến mức giá đóng cửa hôm qua. Đầu phiên sáng nay thị trường vẫn có một nhịp tăng nữa, nâng mức lợi nhuận trên giấy cao hơn.

Thế nhưng nếu nhà đầu tư không quyết liệt chốt lời ngay khi tăng thì lãi thật sẽ bị bốc hơi đáng kể. Xu hướng tổng thể của phiên giao dịch hôm nay là bán ra và đến cuối phiên còn có bán tháo. Đơn giản là nhà đầu tư muốn vớt vát lợi nhuận ở mức tối đa.

Hàng loạt cổ phiếu tăng đầu phiên và giảm rất sâu cuối phiên. Đơn cử riêng nhóm blue-chips, VCB giảm 3,3%, VPB giảm 3,8%, MSN giảm 3,17%, SSI giảm 3,07%, TCB giảm 3,13%,VHM giảm 3,06%, VIC giảm 2,07%, GAS giảm 1,57%...

Phần nhiều các mã trong số giảm mạnh hôm nay đều có lãi T+3 khá cao. Do đó áp lực bán giá thấp càng lớn vì sẽ rất khó để chờ nhà đầu tư mua vào đẩy giá lên cao hơn. Không phải ngẫu nhiên nhà đầu tư lại tranh nhau hạ giá bán xuống, tự đưa mình vào thế bất lợi trong giao dịch. Đơn giản là phải bán như vậy mới chạy thoát được trong bối cảnh sức cầu quá yếu.

Sàn HoSE kết thúc phiên hôm nay với 97 mã tăng và 282 mã giảm. Nếu như chỉ cố một số cổ phiếu giảm giá sâu thì không phải là chiến lược giao dịch chung, nhưng với số giảm gấp gần 3 lần số tăng như vậy, chắc chắn đã có đợt chốt lời trên toàn thị trường.

Một số cổ phiếu giao dịch bất ngờ phiên này và có lẽ chính nhà đầu tư bắt đáy cũng không ngờ tới. Ví dụ FPT sau khi kết quả kinh doanh xuất hiện hôm qua, hôm nay giá tăng đột biến. Có lúc cổ phiếu này tăng tới 3,9% so với tham chiếu. Giá thấp nhất T+3 của FPT là 83.900 đồng và cao nhất hôm nay là 92.900 đồng. Nếu canh me chuẩn, nhà đầu tư lướt sóng có thể thu về 10,7%, còn giao dịch “hớ nhất” (mua cao nhất, bán giá thấp nhất) thì cũng lãi khoảng 2,1%. Trong khi đại đa số cổ phiếu giảm giá toàn thị trường, FPT đóng cửa vẫn tăng 1,23% so với tham chiếu. Ngoài FPT, còn có STB, POW và VNM.

Thị trường vẫn còn cơ hội phục hồi

VN-Index kết thúc phiên hôm nay giảm tới 1,92% tương đương để mất 24,84 điểm. Hôm qua chỉ số này tăng 22,88 điểm. Như vậy chỉ trong một ngày thị trường đã bốc hơi sạch diễn biến tích cực nhất.

Phiên giảm mạnh hôm nay dĩ nhiên gây nên những tổn thất lớn đối với cơ hội phục hồi ngắn hạn. Tính chung cả tuần VN-Index giảm 30,48 điểm. Tuy vậy chỉ số vẫn đã có một đáy thấp nhất của hôm 19/7 vừa qua. Cho đến khi nào VN-Index vẫn duy trì cao hơn đáy này thì thị trường vẫn có cơ hội phục hồi tiếp.

Phiên hôm nay chỉ phản ánh một điều là tâm lý đầu cơ nhanh, lướt sóng T+ là phổ biến. Nhà đầu tư mạo hiểm để kiếm lời chứ không phải tin tưởng vào khả năng hình thành sóng tăng mới của thị trường, cũng như trông đợi kết quả kinh doanh tốt sẽ tạo nên đột biến gì. Sự phổ biến của chiến lược giao dịch này cũng đồng nghĩa với tâm lý trên thị trường rất yếu. Bất cứ biến động đột ngột nào cũng có thể xảy ra với cường độ lớn hơn.

Giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này khoảng 19.947 tỷ đồng trong khi giá trị khớp lệnh phiên T+3 trước đó là 18.716 tỷ đồng. Nếu tính cả mức tăng giá trị do tăng giá thì quy mô gần như tương đương. Điều này phần nào thể hiện lượng tiền mới vào thị trường không có, mà chủ yếu là mua bán ngắn hạn. Trừ phi lượng vốn tiếp tục vào để hấp thụ lượng hàng T+3 còn nhiều nữa trong vài phiên tới thì thị trường mới có cơ hội tăng.

chứng khoán 23-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

17.969 tỷ đồng (+20%)

550,9 triệu (+12%)

1.979 tỷ đồng (+6%)

86,8 triệu (0%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam