Dòng tiền bắt đáy mạnh lên, VN-Index tăng gần 23 điểm

16:38 | 22/07/2021 Print
Những nỗ lực hàn gắn phiên giảm sốc đầu tuần này đang có nhiều tín hiệu thành công. VN-Index hôm nay có thêm 22,88 điểm và mức giảm cả tuần chỉ còn gần 6 điểm.

CK

Tuy vậy điều còn thiếu chính là dòng tiền mua thật sự mạnh, vì đa số lúc này vẫn đang coi thị trường trong một nhịp hồi kỹ thuật ngắn.

Cổ phiếu ngân hàng yếu thế

Đà tăng khá đều của cổ phiếu ngân hàng đem lại hi vọng lớn cho thị trường tạo đáy ngắn hạn. Tuy nhiên dường như vai trò của nhóm này không rõ ràng trong nhịp phục hồi, đặc biệt là không thu hút được dòng tiền lớn quay lại.

Duy nhất KLB trong nhóm cổ phiếu ngân hàng 3 sàn hôm nay đứng tham chiếu, còn lại là tăng. Đó là diễn biến khá tốt, nhưng không gây nhiều ấn tượng như trước. Ảnh hưởng của cổ phiếu ngân hàng tới điểm số cũng hạn chế, do các mã tăng mạnh thì vốn hóa nhỏ, mã lớn thì yếu.

VCB đang có lợi thế vốn hóa và lọt vào nhóm 4 mã kéo VN-Index nhiều nhất, dù mức tăng chỉ là 1,31%. CTG, TPB, TCB tăng tốt hơn VCB nhưng ảnh hưởng không nhiều. Dù vậy tính về biến động ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng cũng khá mạnh ở nhịp này. Tính từ giá đóng cửa tại phiên T+3, nhà đầu tư có thể chốt lời khá ổn. Ví dụ VCB cũng đem lại lợi nhuận 3,4%, ACB khoảng 6%, BID đạt 3,4%, CTG gần 3,9%, TCB xấp xỉ 6,5%, MBB hơn 4,4%...

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng dường như không còn là ưu tiên. Thanh khoản ở các cổ phiếu nhóm này đang sụt giảm rất mạnh. Nếu so với khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên gần nhất, tất cả các cổ phiếu ngân hàng hôm nay đều sụt giảm thanh khoản rất đáng kể. Chẳng hạn VCB giảm tới 28%, BID giảm 50%, CTG giảm 29%, TCB giảm 47%, MBB giảm 51%, VPB giảm 65%, STB giảm 45%, HDB giảm 41%...

Việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh và bật tăng trở lại là hoàn toàn bình thường. Nhà đầu tư luôn có tâm lý bắt đáy khi thấy giá giảm sâu. Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 7 tới nay. Do đó việc giá tăng đồng loạt hôm nay cũng xuất phát từ tâm lý bắt đáy.

Thanh khoản sụt giảm quá nhiều cho thấy giao dịch bắt đáy với cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư như trước. Chỉ trong vài tuần giao dịch từ ngưỡng hàng ngàn tỷ đồng sụt giảm xuống còn vài trăm tỷ. Có mã như VPB sụt giảm thanh khoản chỉ bằng một phần ba so với lúc đỉnh cao.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một nhịp phục hồi kỹ thuật

Hai cổ phiếu quan trọng nhất thị trường hôm nay là VIC và VHM, với mức tăng tương ứng 2,12% và 2,78%. Đây là hai mã kéo điểm số tốt nhất, tới gần 5 điểm, vượt xa VCB và các mã ngân hàng khác. Ngoài ra thanh khoản ở hai cổ phiếu này duy trì khá ổn định, VHM chỉ giảm hơn 20% so với trung bình 20 phiên, còn VIC tương đương trung bình.

Dù vậy điều này cũng không thể hiện rằng dòng tiền tập trung vào VIC hay VHM hay nhóm cổ phiếu Vingroup nói chung. Sự lan tỏa dòng vốn là không rõ ràng phiên này, ngay cả khi thanh khoản có cải thiện tăng gần 20% so với hôm qua.

Tính theo nhóm cổ phiếu thì VN30 tốt nhất, chiếm khoảng 50% tổng giá trị khớp lệnh của sàn HoSE. Tuy nhiên tỷ trọng này tuần trước trung bình tới 61% mỗi phiên. Ngược lại, dường như vốn chạy vào nhóm Midcap nhiều hơn, khi tỷ trọng khớp ở rổ này hôm nay đạt trên 29% thị trường và tuần trước chỉ là 20% mỗi phiên. Midcap lại chỉ dồn giao dịch vào HSG, KBC, FLC...

Tổng thể mức giao dịch 16.830 tỷ đồng trên cả HoSE lẫn HNX hôm nay không phải con số lớn. Thanh khoản tăng 20% là do so sánh với nền thấp kỷ lục hôm qua. Nếu tính theo ngưỡng trung bình tuần trước, mỗi ngày giá trị khớp lệnh hai sàn đạt hơn 20 ngàn tỷ đồng. Do đó mức giao dịch hôm nay chưa có gì để vui mừng.

Điều an ủi chính là việc có hàng trăm cổ phiếu đảo chiều tăng giá được hôm nay ngay cả khi thanh khoản thấp, đồng nghĩa với áp lực bán đang yếu. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một nhịp phục hồi kỹ thuật sau nhịp giảm mạnh đầu tiên của tháng 7. Kết quả kinh doanh quý 2 không hẳn là động lực của nhịp phục hồi này, mà thuần túy là lực cầu bắt đáy lướt sóng. Vì vậy thanh khoản sẽ khó cao được trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ chối cơ hội như vậy.

chứng khoán 22-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.964 tỷ đồng (+18%)

493,3 triệu (+25%)

1.866 tỷ đồng (+36%)

87,2 triệu (+47%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam