HOSE – 21 năm xây dựng các giá trị bền vững để trở thành địa chỉ tin cậy của doanh nghiệp

11:03 | 20/07/2021 Print
Qua 21 năm, HOSE đã không ngừng nỗ lực để cùng đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế; đồng thời xây dựng các giá trị bền vững để HOSE trở thành một địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư.

Ngày 20/7/2021 đánh dấu chặng đường 21 năm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hoạt động và phát triển. Qua 21 năm, với sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự đồng hành của các thành viên thị trường, HOSE đã không ngừng nỗ lực để cùng hoàn thành sứ mệnh tổ chức vận hành và đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đồng thời xây dựng các giá trị bền vững đưa HOSE trở thành một địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT).

Nơi quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu, với 37 doanh nghiệp vốn hóa “tỷ đô”

Qua 21 năm hoạt động, quy mô thị trường trên HOSE có 508 mã cổ phiếu, 9 mã chứng chỉ quỹ đóng, 486 mã trái phiếu, 7 mã chứng chỉ quỹ ETF, 359 mã chứng quyền có bảo đảm đã được niêm yết. Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua HOSE sau 21 năm đạt gần 11 triệu tỷ đồng (trên 475 tỷ chứng khoán).

HOSE

Tính đến hết ngày 30/6/2021, trên HOSE có 385 mã cổ phiếu, 02 mã chứng chỉ quỹ đóng, 07 mã chứng chỉ quỹ ETF, 29 mã trái phiếu và 65 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt trên 5,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 93% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương gần 84% GDP năm 2020 (GPD theo giá hiện hành). HOSE hiện có 73 công ty chứng khoán thành viên với hơn 3,39 triệu tài khoản của nhà đầu tư.

Các công ty niêm yết trên HOSE là các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, hiện có 37 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE - khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của HOSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn trong nền kinh tế.

Nhịp cầu huy động và phân bổ vốn năng động, hiệu quả cho nền kinh tế

Kể từ khi tham gia niêm yết, các DN niêm yết trên HOSE đã huy động được một lượng vốn đáng kể phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 318.000 tỷ đồng với trên 890 đợt phát hành. Trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004 - 2009.

Cùng với đó, trên 68% công ty niêm yết tại HOSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên TTCK, giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

HOSE

HOSE cũng đã thực hiện 569 cuộc đấu giá cổ phần các DN kể từ năm 2005, bán được hơn 4.609 triệu cổ phần và gần 123 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 236.554 tỷ đồng cho Nhà nước và các DN. Cổ phần hóa DN nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK đã nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị và năng lực cạnh tranh của DN.

Tiên phong các giải pháp nâng cao thanh khoản thị trường

Trong 21 năm hoạt động, HOSE đã đề xuất và triển khai hàng loạt các giải pháp kỹ thuật về giao dịch cũng như đa dạng hóa sản phẩm, trong đó đáng chú ý là: triển khai khớp lệnh liên tục vào năm 2007; giao dịch trực tuyến vào năm 2009; kéo dài thời gian giao dịch và triển khai lệnh thị trường vào năm 2012; áp dụng đơn vị yết giá mới với bước giá tối thiểu 10 đồng/cổ phiếu và tăng khối lượng đặt lệnh tối đa cho 1 lệnh giao dịch từ 19.990 lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ vào năm 2016;… đã cải thiện đáng kể thanh khoản trên TTCK.

giá trị giao dịch HOSE

HOSE cũng tiên phong đề xuất triển khai nhiều giải pháp, vận dụng sáng tạo nhằm thực tiễn hóa chính sách của Chính phủ, thực hiện đấu giá bán cổ phần của các DN nhà nước cổ phần hóa qua Sở giao dịch chứng khoán. Cuộc đấu giá đầu tiên và thành công của Vinamilk (năm 2005) đã tạo nền tảng cho các cuộc đấu giá thành công tiếp theo, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ.

Cùng với đó, cấu trúc sản phẩm niêm yết của HOSE ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với xu hướng quốc tế, góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở, đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường. Ngoài cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, HOSE đã tiếp tục phát triển và niêm yết các dòng sản phẩm cấu trúc tiên tiến như chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF (2014) và chứng quyền có bảo đảm – covered warrant (tháng 6/2019) và phát triển hơn 30 chỉ số đa dạng, mang lại nhiều giá trị sử dụng trên thực tiễn, trong đó chỉ số VN30 đang là chỉ số tham chiếu của nhiều quỹ ETF và sản phẩm phái sinh.

Thiết lập các chuẩn mực, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ

Trên nền tảng khung pháp lý và các quy định về quản trị công ty (QTCT) ngày càng hoàn thiện, HOSE đã thường xuyên hướng dẫn các DN niêm yết (DNNY) trong việc thực thi các quy định, phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước tổ chức các chương trình đào tạo cho DN các quy định mới về QTCT và các thực hành tốt theo thông lệ quốc tế. Một phần nhờ đó, các DN sau khi niêm yết trên HOSE có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng QTCT và hiệu quả hoạt động.

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên cho các DNNY, được HOSE khởi xướng từ năm 2008, đã trở thành biểu tượng cho sự minh bạch và quản trị công ty tốt trên TTCK và tiếp tục được nâng tầm thành giải bình chọn DNNY (VLCA) sau hơn 10 năm đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng các DNNY.

Năm 2017, HOSE đã ra mắt chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) gồm 20 cổ phiếu được chọn lọc từ chỉ số VN100 có điểm đánh giá phát triển bền vững cao nhất dựa trên 3 yếu tố: Môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G), nhằm nâng cao nhận thức của DNNY về phát triển bền vững, hướng đến nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chỉ số VNSI đã thể hiện được sự ổn định với mức tăng trưởng tốt trên thị trường, đạt 2.262,21 điểm vào cuối tháng 6/2021, tăng 51,3% so với cuối năm 2020.

Nỗ lực của HOSE đã góp phần kiến lập nên những giá trị nền tảng của TTCK và nâng cao chất lượng hàng hóa thị trường. Nhiều DN đã đưa vai trò của quản trị công ty và phát triển bền vững vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, qua đó nâng cao giá trị DN, gia tăng niềm tin của NĐT. Chất lượng công bố thông tin của DNDY đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin, các vi phạm qui định về công bố thông tin đã giảm rõ rệt./.


Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam