Thanh khoản bốc hơi, nhà đầu tư đang lo lắng?

16:32 | 16/07/2021 Print
Từ mức giảm 50 điểm đầu tuần tới còn giảm 17 điểm và hai phiên cuối tuần VN-Index lại tăng. Đó là tín hiệu tích cực trong nhịp lao dốc này. Thế nhưng nhà đầu tư vẫn không xem đó là cơ hội.

CKCổ phiếu ngân hàng không trụ được

Nếu có nhóm cổ phiếu nào hấp dẫn lực cầu bắt đáy nhất trong nửa tháng thị trường cắm đầu lao dốc này thì đó là ngân hàng. Đơn giản là thanh khoản ở các mã ngân hàng rất cao. Hôm qua đồng loạt nhiều cổ phiếu ngân hàng quay đầu tăng mạnh, tạo niềm hứng khởi đáng kể. Thế nhưng ngay phiên kế tiếp tình hình lại kém lạc quan.

Không có cổ phiếu ngân hàng nào thực sự mạnh hôm nay. SHB tăng tốt nhất 2,93% nhưng không có tác dụng đối với VN-Index. ACB tăng 2,6% khá bất ngờ do được kéo đúng phút chót nhưng ảnh hưởng cũng rất hạn chế. HDB tăng 0,75%, VPB tăng 0,78%, TPB tăng 0,59% là những cổ phiếu còn lại.

Vấn đề là những cổ phiếu ngân hàng khác vẫn giảm, VCB may mắn phút chót mới được giật về tham chiếu. Ngay cả nhóm tăng kể trên cũng là tụt lùi đáng kể về cuối ngày. Trong số các mã ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index hoàn toàn không có cổ phiếu ngân hàng.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng từng hút tiền lớn nhất, hôm nay đều giảm mạnh thanh khoản so với hôm qua. Có thể kể tới như CTG giảm 36% khối lượng, VPB giảm 13%, BID giảm 21%, VCB giảm 37%, TCB giảm 31%, MBB giảm 30%, STB giảm 23%...

Điều ấn tượng hôm qua chính là việc cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản cao và giá tăng. Hôm nay thanh khoản thấp dù giá giảm. Rõ ràng là nếu muốn mua thì cơ hội hôm nay tốt hơn hôm qua vì giá thấp hơn. Nhưng nhà đầu tư lại ngại giao dịch.

Vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã “tụt hạng”, nhưng hôm nay bất ngờ nổi lên những cổ phiếu rất cũ. Đó là VIC tăng 3,73%, VNM tăng 0,82%, MSN tăng 4,78%, FPT tăng 1,64%. Thật sự thì giao dịch cũng không quá tệ trong rổ blue-chips VN30, khi vẫn có 19 mã tăng và 10 mã giảm. Trong bối cảnh dòng tiền quá thận trọng như lúc này, thanh khoản không thể rải đều các mã mà chỉ những cổ phiếu có dòng tiền trội hơn mới duy trì được mức tăng.

Ngại rủi ro ngắn hạn

Thanh khoản sụt giảm ngay cả khi thị trường tăng lẫn thị trường giảm không phản ánh việc dòng tiền bị rút ra hay các lý do gì khác. Đơn giản là nhà đầu tư chưa sẵn sàng giao dịch mạnh trở lại như cũ. Tiền vẫn được cất giữ trong tài khoản và số lớn nhà đầu tư giữ vai trò quan sát.

Hành động bắt đáy liên tục trong 2 tuần nay đều đem lại kết quả không tốt, phần lớn là lỗ. Đó là tín hiệu rõ nhất về rủi ro. Những nhà đầu tư bắt đáy hầu hết với mục tiêu đầu cơ ngắn hạn, nhưng khi chiến lược này không thể hiện hiệu quả ngay tức là thị trường đang gặp rủi ro cao, đà giảm vẫn còn. Chỉ sau 2 - 3 lần bắt đáy và cắt lỗ, nhà đầu tư sẽ phải dừng lại để đánh giá tình hình.

Đó là biểu hiện của tâm lý lo ngại rủi ro tăng lên. Việc thị trường có thật sự đã tạo đáy ngắn hạn, hay chỉ nghỉ vài phiên rổi lại giảm tiếp? Đó là câu hỏi thường trực đối với các nhà đầu tư dò đáy. Cổ phiếu ngân hàng giảm nhiều như vậy, hầu hết trên 10 - 15% nhưng bắt đáy còn không có hiệu quả thì các cổ phiếu khác cũng vậy. Giảm nhiều chưa hẳn là bớt rủi ro, vì còn phải nhìn tương quan với độ lớn của chiều tăng trước đó.

Tổng giá trị khớp lệnh của hai sàn phiên cuối tuần chỉ đạt 15.691 tỷ đồng, thấp kỷ lục kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Giá trị giao dịch bao gồm cả thỏa thuận cũng chỉ đạt 17.764 tỷ đồng. Sau vài phiên đầu tuần thanh khoản có dấu hiệu nhích lên, dòng tiền lại quay về phòng thủ.

Giai đoạn thiếu niềm tin và bị thua lỗ nhiều thường đem lại tâm lý lo lắng như vậy. Mặc dù trước đó thị trường tăng rất mạnh, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng lãi lớn. Ở gần vùng đỉnh hoặc vừa qua đỉnh, tâm lý ăn thua khiến việc sử dụng margin để “đánh cú chót” hoặc “gỡ gạc” mới là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ nặng nhất.

chứng khoán 16-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

13.451 tỷ đồng (-5%)

415,1 triệu (-1%)

2.241 tỷ đồng (+7%)

94,9 triệu (+7%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam