Chứng khoán Việt vẫn còn hấp dẫn

08:44 | 15/07/2021 Print
Mức P/E 12 tháng gần nhất đang ở khoảng 17,8 lần, thấp hơn đáng kể so với thời điểm tháng trước (trên 19 lần) và khi VN-Index tạo đỉnh 1.200 điểm năm 2018 (22 lần). Nếu tính cho cả năm 2021, thì P/E dự phóng là trên 15 lần. Đây chưa phải là mức cao, nhưng dư địa tăng mạnh ít hơn.

Đây là đánh giá của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI), tại Chương trình Tư vấn đầu tư dành cho nhà đầu tư.

Định giá thị trường vẫn hấp dẫn, nhưng dư địa tăng mạnh ít hơn

Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia chiến lược đầu tư của SSI, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) đang vận động tương đối thận trọng, khi mức giảm khoảng 10%. Thanh khoản duy trì thấp trong 1 tháng qua cho thấy, bên mua rất thận trọng. Điều này rất dễ hiểu sau mỗi lần thị trường biến động mạnh, giống như diễn biến thị trường tháng 8/2020 và tháng 1/2021. Còn bên bán cũng không đẩy hàng bán mạnh ra nữa - đây có thể xem là một điểm tích cực.

chứng khoán
Thị trường vẫn hấp dẫn nhưng cần lưu tâm tới rủi ro tác động từ dịch bệnh. Ảnh: Duy Dũng.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, sau khoảng thời gian tăng điểm tốt, thì áp lực chốt lời đang mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dù đang có sự thận trọng nhất định, nhưng thị trường vẫn sẽ tìm được điểm cân bằng.

Sau khi trường giảm điểm trong nhiều phiên qua, P/E (giá/thu nhập một cổ phiếu) tính theo 12 tháng gần nhất đang ở mức 17,8 lần, thấp hơn đáng kể so với tháng trước (khoảng mức 19 lần) và thời điểm VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm của năm 2018 (mức 22 lần). Dựa trên lợi nhuận ước tính của cả năm 2021, SSI Research đưa ra P/E dự phóng cho năm nay khoảng 15 lần. “Con số này cho thấy tính hấp dẫn nhất định với thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay” – ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho hay.

Cũng cho ý kiến về mức P/E của thị trường, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc SSI Research, cho rằng nếu loại bỏ ngành ngân hàng trong cơ cấu chung, P/E dự phóng năm 2021 của các ngành còn lại khoảng 18 lần. Trước đây, P/E trong lịch sử chỉ khoảng 14 - 15 lần, trong 3 năm gần đây tăng lên 21 lần. “Mức P/E 18 lần của các ngành khác không phải là cao nhưng cũng sẽ ít có dư địa tăng mạnh trong thời gian tới” – bà Hoàng Việt Phương nói.

Rủi ro dịch bệnh kéo dài cần được lưu tâm

Phân tích về các yếu tố hỗ trợ, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng, thị trường vẫn có những yếu tố tích cực có thể mang tới kỳ vọng cho nữa cuối năm như: Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và có thêm nhiều câu chuyện hỗ trợ cho cổ phiếu như tăng vốn không chỉ ở nhóm ngân hàng, mà còn ở nhóm bất động sản, chứng khoán; hay các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp; các FTA (hiệp định thương mại) đã ký hết với các nước lớn có thể hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu;...

Về các yếu tố rủi ro, theo bà Hoàng Việt Phương, vấn đề nhà đầu tư cần nhìn nhận lúc này là vấn đề dịch bệnh bùng phát lần 4 nghiêm trọng hơn và phải thực hiện giãn cách ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. “Đây là yếu tố cần lưu tâm dù vẫn rất tin tưởng vào khả năng kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ” – bà Phương nói.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của SSI Research, kết quả kinh doanh quý II cũng đã phản ánh phần nào vào giá, nên cách nhìn của nhà đầu tư hiện nay là quý III, IV có bị ảnh hưởng bởi dịch hay không. “Đặc biệt, điều quan trọng là phải làm sao giữ cho các khu công nghiệp hoạt động liên tục, vì sắp tới mùa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và cũng là mùa tiêu dùng tăng cao. Cần đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, qua đó sẽ nâng đỡ nền kinh tế” – bà Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.

Khuyến nghị dành cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Chí Trung - Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân của SSI cho rằng, khi thị trường điều chỉnh mạnh, vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc đi ngược lại xu hướng biến động chung. Do vậy, quyết định giao dịch của mỗi cá nhân mới là yếu tố quan trọng.

Đối với danh mục đã tăng trưởng mạnh và sử dụng tỷ lệ margin lớn, nhà đầu tư nên chốt lời và hạ tỷ trọng margin để bảo vệ danh mục trong trường hợp thị trường tiếp tục đi xuống. Đối với danh mục nắm giữ một phần tiền mặt, các cá nhân có thể cân nhắc các cơ hội tăng tỷ lệ nắm giữ một cách thận trọng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư đang duy trì tỷ lệ tiền mặt lớn trong tài khoản, là nhóm có độ tự tin cao nhất và mức độ rủi ro thấp nhất. Do đó, nhóm này hoàn toàn có thể tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới khi thị trường chung đang biến động mạnh” - ông Nguyễn Chí Trung khuyến nghị.

Về phương pháp lựa chọn cơ hội giải ngân, các chuyên gia của SSI Research khuyến nghị, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng tốt, kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, cần cân nhắc rằng giá cổ phiếu trên thị trường thường phản ánh trước kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, lợi nhuận tăng trưởng cao đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm và khó có thể tăng "đột biến" như trước. Do đó, “các nhà phân tích thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp định giá cổ phiếu để đưa ra khuyến nghị mua bán cho nhà đầu tư” - các chuyên gia này lưu ý./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam