Dabaco: Lợi nhuận giảm và ẩn số từ nguyên liệu

14:19 | 07/07/2021 Print
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC, sàn HOSE) vừa hé lộ kết quả lợi nhuận quý II giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều ẩn số vẫn chưa được làm rõ khi doanh nghiệp này chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết.

dabaco

Nhà đầu tư sẽ phải chờ Dabaco công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng mới có cái nhìn rõ nét hơn về bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này.

Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm

Theo số liệu công bố sơ bộ, doanh thu quý II/2021 của Dabaco đạt 3.812 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 8.431 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 214 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 579 tỷ đồng.

So sánh với số liệu 6 tháng cùng kỳ năm trước, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng trưởng tới 83% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng lại sụt giảm 22,8%.

Nếu tách riêng số liệu quý II để so sánh với quý II/2020 có thể thấy, nguyên nhân lợi nhuận nửa đầu năm 2021 sụt giảm chủ yếu do việc bị kéo tụt lợi nhuận của giai đoạn kinh doanh quý II/2021. Cụ thể, mức sụt giảm lợi nhuận quý II của công ty giảm mạnh tới gần 47%, mặc dù doanh thu vẫn tăng mạnh tới 72%.

Hiện nay ngoài một vài số liệu sơ lược về doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đã tiết lộ, Dabaco cũng chưa công bố cáo cáo tài chính chi tiết quý II để nhà đầu tư có thể đánh giá cụ thể về những biến động tài chính của doanh nghiệp này trong quý II. Tuy nhiên theo các số liệu tài chính của công ty trong các giai đoạn trước, đại gia ngành thức ăn chăn nuôi này có một cơ cấu tài sản phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu.

Dabaco có tổng tài sản tại thời điểm cuối quý I/2021 là 10.507 tỷ đồng, trong đó, riêng hàng tồn kho có giá trị lên tới 3.735 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 36% tổng tài sản và chiếm gần 73% giá trị tài sản ngắn hạn của công ty. So với đầu năm, giá trị hàng tồn kho cũng đã tăng khoảng 11,7%. Việc rót thêm tiền tăng hàng tồn kho trong quý I/2021 cũng là một trong những nguyên nhân làm hao hụt dòng tiền của công ty này. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Dabaco cũng ghi nhận âm 84,5 tỷ đồng.

Những lo lắng với biến động giá nguyên liệu

Do tính chất kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn bởi hàng tồn kho nên cổ đông cũng phần nào có sự lo ngại bởi các rủi ro liên quan đến “cuộc chơi” nguyên liệu. Thực tế trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 cũng đã có cổ đông bày tỏ những lo ngại về tình hình biến động giá cả nguyên liệu nông sản thế giới. Lo lắng này được Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là ông Nguyễn Như So xoa dịu bằng một vài lập luận có phần chung chung khi cho biết, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng đây là tình trạng chung của cả ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể thấy giai đoạn nửa đầu năm 2021 là một thời kỳ “nổi sóng”, sau một giai đoạn dài ổn định từ năm 2015 đến quý III/2020.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Trong đó, ngô hạt tăng 35%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, bã ngô tăng 46%, cám mì tăng 32,8%... Giá nguyên liệu tăng mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tuy có tăng, nhưng mức tăng chỉ khoảng 12 - 15% tùy loại. Chênh lệch về tốc độ tăng của 2 mặt hàng này phần nào có thể lý giải cho cái khó của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Diễn biến thị trường cho thấy việc giá vốn tăng nhanh trên doanh thu có thể là tình trạng khó khăn chung, nhưng cái khó nhiều ít khác nhau cũng còn phụ thuộc vào cơ cấu tài chính của từng doanh nghiệp. Một số thông tin gần đây cho thấy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể đi vào ổn định từ tháng 7/2021, nhưng ngay cả khi nguyên liệu hạ nhiệt thì doanh nghiệp không phải sẽ dễ thở ngay vì còn phải có một khoảng trễ. Khoảng trễ này dài hay ngắn phụ thuộc tốc độ quay vòng hàng tồn kho của từng doanh nghiệp.

Riêng với Dabaco, với quy mô hàng tồn kho giai đoạn đầu năm 2021, công ty này có tốc độ quay vòng của hàng tồn kho khá chậm, cụ thể chỉ đạt khoảng 0,5 vòng trong quý I. Số liệu trên tương ứng với việc hàng tồn kho trong 1 quý chỉ quay được nửa vòng, tức 1 vòng kéo dài đến khoảng nửa năm./.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam