Thanh khoản tăng vọt trong phiên hệ thống giao dịch mới vận hành

16:23 | 05/07/2021 Print
Không ngoài mong đợi, ngày đầu tiên của hệ thống giao dịch mới đã giúp thị trường có thanh khoản rất cao, dù chưa vượt được kỷ lục trước đó. Điều ngoài mong đợi chính là thay vì bùng nổ tăng, thị trường lại bị bán tháo mạnh.

CKCổ phiếu ngân hàng hút tiền, cổ phiếu chứng khoán quay đầu lao dốc

Rất đông nhà đầu tư nghĩ rằng thanh khoản lớn nhờ hệ thống giao dịch mới sẽ giúp công ty chứng khoán hưởng lợi. Điều này sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng. Bất ngờ là hôm nay người ôm cổ phiếu chứng khoán lại canh xả là chủ đạo. Gần như cả nhóm cổ phiếu này đỏ rực.

FTS, cổ phiếu công ty chứng khoán FPT “ăn theo” hào quang của hệ thống giao dịch mới đã vụt tăng trên 13% chỉ trong hai phiên cuối tuần trước. Hôm nay mã này quay đầu lao dốc giảm 1,68%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán blue-chips có thị phần môi giới lớn tưởng như cũng hoành tráng, lại đồng loạt rơi: SSI giảm 2,42%, HCM giảm 2,57%, VND giảm 1,86%, MBS giảm 2,52%, SHS giảm 2,96%, BVS giảm 3,53%...

Vẫn có một số cổ phiếu tăng là AGR tăng 2,86%, ORS tăng 2,25%, PSI tăng 3,54%, TCI tăng 0,59%, TVS tăng 2,06%, VCI tăng 1,37%, VDS tăng 1,75%.

Lý do khiến các cổ phiếu chứng khoán quay đầu giảm đúng ngày hệ thống giao dịch mới vận hành có lẽ là hiệu ứng của việc đầu cơ sớm. Nhóm này đã tăng giá từ trước và một bộ phận nhà đầu tư chờ đợi thời điểm hôm nay để chốt lời. Cũng không thể nói những cổ phiếu chứng khoán còn tăng nghĩa là những mã tốt hơn. Đơn giản là yếu tố cung cầu ở mã nào càng hiệu quả thì biến động giá càng bình thường. Những mã nhỏ, thanh khoản ít thường dễ được đầu cơ ngược dòng hơn.

Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ quay trở lại hút dòng tiền hôm nay cũng không hẳn vì hệ thống giao dịch mới. Kể cả khi giao dịch rất lớn thì thanh khoản phiên này cũng chưa tới điểm nghẽn của hệ thống cũ. Dù vậy nhóm ngân hàng tăng trở lại cũng vẫn mang yếu tố đầu cơ ngắn hạn và cần phải kiểm chứng thêm thời gian.

VPB, TCB là hai mã ngân hàng đáng chú ý nhất hôm nay vì đều có thanh khoản cực cao, đồng thời đều vượt đỉnh lịch sử. TCB nổi bật hơn vì lập được kỷ lục giao dịch tính theo giá trị, với 2.669,3 tỷ đồng khớp lệnh. VPB giao dịch 1.700 tỷ đồng, thực ra là vẫn giảm nhiều so với thời kỳ đầu tháng 6. Nhóm ngân hàng còn có thêm MBB, STB, CTG, SHB khớp lệnh trên 1.000 tỷ đồng hôm nay.

Rất tiếc cổ phiếu ngân hàng tăng giá hôm nay không có nhóm trụ: VCB giảm 1,13%, BID giảm 0,85%, CTG giảm 1,14%, MBB giảm 0,81%. Trong Top 4 vốn hóa của nhóm ngân hàng thì duy nhất TCB là tăng. Điều này làm ảnh hưởng nhất định đến khả năng tăng điểm ở chỉ số. VN-Index kết thúc phiên vẫn giảm 9,14 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,64%.

Bù lại khá nhiều mã ngân hàng nhỏ hơn tăng tốt. Ngoài VPB, TCB, còn có ACB tăng 5,12%, EIB tăng 1,28%, HDB tăng 0,54%, SHB tăng 3,45%, STB tăng 3,49%, TPB tăng 4,11%, LPB tăng 1,01%...

Thanh khoản có vượt kỷ lục?

Hôm nay có thể xem là khởi đầu khá thuận lợi cho hệ thống giao dịch mới, khi trục trặc hầu như không xảy ra, chỉ ở phía một vài công ty chứng khoán. Thanh khoản hai sàn khớp lệnh đạt 29.261 tỷ đồng được xem là rất cao. Kỷ lục lịch sử là phiên khớp hơn 33.823 tỷ đồng hôm 4/6 vừa qua.

Hệ thống không hề nghẽn khi thanh khoản lên mức cao như vậy nghĩa là dư địa để thanh khoản tăng còn nhiều. Vấn đề chính là liệu nhà đầu tư có bỏ tiền ra để giao dịch đẩy thanh khoản lên hay không.

Thanh khoản tăng mạnh hôm nay cũng cho thấy một yếu tố mang tính quyết định là các cổ phiếu ngân hàng có đạt thanh khoản lớn không. TCB đột biến giao dịch, VPB, STB đều khớp rất mạnh. Nếu không có sự gia tăng thanh khoản trong nhóm này thì toàn thị trường khó đạt được mức giao dịch lớn.

Việc một số mã vượt đỉnh như TCB, VPB, ACB hứa hẹn thanh khoản có thể tăng, vì nhiều nhà đầu tư sẽ coi vượt đỉnh là tín hiệu mua. Tuy nhiên, với những gì diễn ra tại nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay, kịch bản ngược lại cũng có thể xảy ra.

chứng khoán 5-7

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

25.938 tỷ đồng (+14%)

774,5 triệu (+19%)

3.323 tỷ đồng (-1%)

138,2 triệu (-1%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam