Camimex “bỏ rơi” Camimex Hitech bên những gian nan của cổ phiếu thủy sản

15:49 | 28/06/2021 Print
Công ty cổ phần Camimex Group (mã CMX, sàn HOSE) vừa quyết định bỏ cuộc không góp vốn vào Camimex Hitech, trong bối cảnh cổ phiếu CMX và của một số doanh nghiệp thủy sản khác đang có sức hút khá yếu.

camimex

Camimex hiện có tổng tài sản 1.618 tỷ đồng. Ảnh T.L

Bất ngờ bỏ cuộc

Mới đây, Camimex Group vừa quyết định thoái vốn khỏi Công ty TNHH Liên doanh Công nghệ cao Camimex (Camimex Hitech). Trên thực tế, Camimex Group chưa từng rót tiền vào Camimex Hitech nên quyết định “thoái vốn” nêu trên chỉ là một hành động mang tính thủ tục để nhượng lại quyền góp vốn cho đối tác khác.

Tham vọng của Camimex khi có ý định đầu tư vào Camimex Hitech nằm trong mục tiêu nghiên cứu việc triển khai công trình dự án nuôi trồng thủy sản tuần hoàn theo công nghệ RAS (Recirculating Aquaculture Systems) của Isarel. Đây cũng là một những án nằm trong các kế hoạch năm 2021 mà Camimex đặt ra.

Dự án này nhằm nâng cao năng suất, gia tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu với sản lượng 2.000 tấn tôm/ năm, chất lượng thủy sản nuôi trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hệ thống RAS nếu được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào vận hành được kỳ vọng sẽ cho mật độ thả giống và tỷ lệ sống sót của tôm cao hơn, không còn phụ thuộc vào mùa vụ hoặc thời tiết, tăng năng suất gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, nước cùng với chất thải được xử lý cơ học và sinh học, rồi được đưa lại về bể nuôi nhằm hạn chế chất thải ra môi trường xung quanh. Không chỉ tái sử dụng nước, RAS còn cho phép kiểm soát chất lượng nước, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Viễn cạnh đẹp đẽ là vậy, nhưng Camimex đã kiên quyết “bỏ rơi” Camimex Hitech của trong bối cảnh tình hình dòng tiền của công ty thủy sản này thời gian qua không mấy dư dả cho lắm. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý I/2021 của Camimex là 1.618 tỷ đồng, trong đó có 1.062 tỷ đồng tài sản ngắn hạn.

Tuy nhiên, tài sản ngắn của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở hàng tồn kho và các khoản phải thu khó đòi, với tổng giá trị các khoản này lần lượt là gần 825 tỷ đồng và 200,6 tỷ đồng. Tại thời điểm này, nhóm tài sản có tính thanh khoản cao khá ít ỏi khi các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty chỉ là hơn 8,2 tỷ đồng và tiền (và các khoản tương đương tiền) chỉ có 15,6 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, Camimex cũng đang gánh tỷ lệ nợ khá lớn với quy mô nợ phải trả là 1.049,5 tỷ đồng, lớn gấp 1,85 lần so với vốn chủ sở hữu. Riêng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã có giá trị 658,9 tỷ đồng, lớn hơn quy mô vốn chủ sở hữu cùng thời điểm.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh giai đoạn đầu năm cũng đều có xu hướng sụt giảm. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2021 đạt 214,5 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm 29,4% khi đạt 10,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 15,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu “ỉu” dần

Diễn biến cổ phiếu CMX trên sàn trong khoảng 6 tháng qua có thời điểm trồi sụt, nhưng mặt bằng giá chung có xu hướng yếu dần. Thị giá cổ phiếu này hồi tháng 1/2021 dao động ở mức khoảng 16.000 – 18.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay chỉ quanh mức giá khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung đang đi lên, chỉ số VN-Index trong 6 tháng qua đã tăng khoảng trên 30%, hiện đã vượt mốc 1.400 điểm.

Tuy nhiên, CMX không đơn độc bởi nhiều cổ phiếu thủy sản khác cũng chịu chung cảnh đìu hiu. Nhìn qua diễn biến của một vài cổ phiếu thủy sản có thể thấy, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương trong 6 tháng qua đã giảm từ mốc khoảng 3.600 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 2.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn thời điểm đầu năm ở mốc 42.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm giảm xuống 36.000 đồng/cổ phiếu, sau đó phục hồi nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 44.000 đồng/cổ phiếu, không cao hơn bao nhiêu so với đầu năm. Tương tự, cổ phiếu AAM của Công ty thủy sản Mekong vẫn chỉ dập dìu quanh mốc 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, trong nhóm các cổ phiếu thủy sản cũng có những cổ phiếu tăng giá, chẳng hạn, cổ phiếu FMC của Công ty Thực phẩm Sao Ta tăng từ mốc khoảng 32.000 đồng hồi tháng 1/2021 lên 37.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú cũng tăng từ mốc 30.000 đồng lên 39.000 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình tài chính, phần lớn các cổ phiếu giảm giá hoặc đi ngang thời gian qua đều có những yếu tố sụt giảm về kinh doanh.

Thủy sản Mekong đối diện với tình trạng doanh thu thuần quý I/2021 sụt giảm khá mạnh, tới 27,2% so với cùng kỳ, đạt gần 30 tỷ đồng trong quý I/2021. Sự sụt giảm này khiến cho doanh nghiệp thủy sản này không thể bù đắp được các khoản chi phí thông thường nên đành chấp nhận thua lỗ 1,1 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021.

Về phía Vĩnh Hoàn, công ty này lại có một kịch bản kinh doanh khác khi trong quý I/2021 có ghi nhận doanh thu thuần tăng so với năm ngoái, đạt 1.788 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại sụt giảm 13,4% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 131,6 tỷ đồng. Trong quý I/2021, Vĩnh Hoàn ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá là gần 8,2 tỷ đồng, tăng gần 50% so với mức lỗ chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp này cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến câu chuyện tỷ giá, việc đồng USD liên tục mất giá thời gian qua cũng khiến cho các doanh nghiệp có hoạt động thiên về xuất khẩu cũng phải đối diện với những trở ngại nhất định. Số liệu tỷ giá USD mua vào từ Vietcombank tại thời điểm tháng 12/2020 luôn ở mức trên 23.000 đồng/USD, nhưng đến giữa tháng 6/2020 có thời điểm đã xuống đến mức chỉ còn 22.850 đồng/USD. Theo đó, biến động tỷ giá sẽ vẫn là một trong những yếu tố khá nhạy cảm đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thời gian tới./.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam