Dòng tiền chảy sang cổ phiếu midcap

16:32 | 17/06/2021 Print
Phiên đáo hạn phái sinh tiếp tục xuất hiện những biến động bất ngờ trong nhóm blue-chips VN30. Dù vậy thực tế nhóm này vẫn giao dịch kém, trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ bùng nổ.

CKMidcap hút dòng tiền, giá tăng mạnh

VN-Index kết phiên hôm nay tăng 0,25% so với tham chiếu, hay chỉ 3,4 điểm. VN30-Index thậm chí giảm 3,67 điểm. Tuy nhiên thị trường không hề tiêu cực. Trái lại, dòng tiền đang vận động một cách rõ ràng, thậm chí tạo sóng ở một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu.

Chỉ số Midcap Index sàn HoSE đóng cửa tăng vọt 1,47% so với tham chiếu, là chỉ số nhóm vốn hóa tăng mạnh nhất thị trường này. Không chỉ vậy, số mã tăng ở rổ này tới 44 mã trong khi giảm chỉ là 16 mã. Rổ Midcap cũng có tương quan cổ phiếu tăng giảm giá tốt nhất thị trường.

Thanh khoản của nhóm Midcap cũng bùng nổ, đạt 6.411,1 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Mặc dù so với VN30, con số này còn nhỏ, nhưng so với chính rổ này, đây lại là ngưỡng cao kỷ lục. Liên tiếp 3 tuần trở lại đây Midcap xuất hiện các phiên giao dịch vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng nhưng hôm nay là lớn nhất.

Giá cổ phiếu tăng nhiều, thanh khoản lớn là sự kết hợp tích cực cho diễn biến giao dịch. Những đại diện tiêu biểu tăng giá của rổ này có thể kể đến là ANV, SJS, AAA, ROS, FLC ở ngưỡng kịch trần. KBC, VHC, PHR, DRC, PTB... tăng trên 4%.

Dòng tiền có thực sự tìm đến các mã Midcap hay không vẫn còn cần nhiều bằng chứng hơn nữa. Tuy vậy dễ thấy là chỉ những cổ phiếu có tính chất đầu cơ hoặc một nhóm chọn lọc là “gánh” thanh khoản cho cả rổ. Ví dụ hôm nay là nhóm FLC, ROS, cổ phiếu dầu khí như PVD, thủy sản như VHC, bất động sản khu công nghiệp như KBC...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng khá tốt, chỉ số của rổ Smallcap tăng 0,98%. Một số cũng đạt mức tăng kịch trần như TAC, DLG, SJS, ITC, LSS APG...

Với số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, rất có khả năng một bộ phận dòng tiền đầu cơ đang tạo sóng ở những mã này. Hiện tượng nhóm ngành cũng khá rõ như cổ phiếu thủy sản, cổ phiếu phân bón và cổ phiếu mía đường đang có tiến triển giá rõ rệt.

Blue-chips “hết thời”?

Song song với tín hiệu tăng thanh khoản ở nhóm Midcap, các blue-chips VN30 lại sụt giảm thanh khoản. Thực vậy, tổng giá trị khớp của VN30 hôm nay chỉ còn 10.086,4 tỷ đồng, giảm 16,5% so với hôm qua.

Vẫn có nhiều mã blue-chips đạt thanh khoản trên ngàn tỷ như HPG, VPB, MBB. Duy nhất MBB là tăng giá 3,1%, còn VPB giảm 1,2%, HPG giảm 0,77%. Đa số cổ phiếu còn lại sụt giảm thanh khoản đáng kể như GAS, STB, VCB, VNM, PLX, SSI. Thậm chí HPG, VPB cũng sụt giảm mạnh thanh khoản.

Các blue-chips có nhịp phục hồi tăng giá mạnh trong phiên chiều, nhưng lại bị tác động đột ngột lúc đóng cửa. Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên diễn biến đảo chiều cũng có khả năng xảy ra. Dù vậy áp lực bán vẫn tương đối mạnh mới có thể đảo chiều được những mã siêu thanh khoản như HPG, VPB, VIC, VNM...

Cổ phiếu ngân hàng vẫn có khá nhiều mã tăng, ví dụ BID, MBB, tăng ,32% và 3,1%. ACB, LPB, NVB, SHB, STB VCB, VID cũng nằm trong số tăng, còn lại là các mã giảm. Ngoài ngân hàng, VN30 cũng có BVH, GAS, MWG, PLX, POW, REE, SBT, SSI, tăng trên 1%.

Như vậy khó có thể nói các blue-chips đang thoái trào, mà đang chuyển sang giai đoạn phân hóa. Dù vậy cơ hội lợi nhuận sẽ thu hẹp dần do các blue-chips cần dòng tiền rất lớn mới có thể tăng giá tốt được. Trong khi đó dòng tiền lại đang có tín hiệu tìm kiếm cơ hội ở các mã trung bình và nhỏ.

Phiên cuối tuần này sẽ là thời điểm giao dịch căng thẳng khi cả hai quỹ ETF ngoại thực hiện tái cơ cấu danh mục. Thông thường thanh khoản sẽ tăng mạnh. Dù vậy lúc này dòng tiền của nhà đầu tư trong nước quá áp đảo, nên sẽ khó có biến động mạnh, thậm chí chưa chắc đã dao động bằng phiên đáo hạn phái sinh.

chứng khoán 17-6

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.130 tỷ đồng (-9%)

712,3 triệu (-4%)

3.331 tỷ đồng (-24%)

146,2 triệu (-16%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam