Chủ tịch FPT IS: Áp lực lớn nhất là kỳ vọng của nhà đầu tư

12:15 | 14/06/2021 Print
Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) Dương Dũng Triều cho biết, hệ thống khớp lệnh được nhà đầu tư kỳ vọng đã hoàn thành 80%, cuối tháng này có thể vận hành.

* PV: Kế hoạch 100 ngày phát triển hệ thống khớp lệnh thay thế hệ thống hiện tại của HOSE và FPT đang diễn ra thế nào, thưa ông?

Dự kiến việc chuyển đổi được thử nghiệm trong 3 tuần cuối của tháng này, để 28/6 hệ thống mới sẵn sàng chờ lệnh vận hành từ Bộ Tài chính và UBCKNN.

dương dũng triều

Ông Dương Dũng Triều

- Ông Dương Dũng Triều: Khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi nhanh chóng phối hợp với HOSE lên kế hoạch những thứ cần làm chi tiết đến từng ngày, tập trung vào 3 đầu việc chính là: sửa phần mềm giao dịch chứng khoán của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HOSE; viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán (CTCK); tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Những đầu việc này nhằm giảm thiểu việc chỉnh sửa hệ thống của các bên liên quan theo yêu cầu của HOSE.

Chúng tôi chia “kế hoạch 100 ngày” ra làm 5 giai đoạn gồm: Khảo sát; phát triển hệ thống; HOSE kiểm tra tính đúng đắn; kiểm thử diện hẹp tại 24 CTCK hàng đầu; mở ra kiểm thử diện rộng tại 73 thành viên toàn thị trường. Hiện tại đã bước vào giai đoạn kiểm thử diện rộng, về cơ bản chúng tôi đã xử lý được trên 80% tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra.

Công việc còn lại là xử lý thêm những yêu cầu đặc biệt hơn về hiệu năng hệ thống, an toàn bảo mật, lên kịch bản đóng hệ thống cũ để chuyển sang hệ thống mới thông suốt. Việc xây dựng cơ chế vận hành cũng đang được thực hiện song song để có quy trình tiếp nhận, phân loại và xử lý trong trường hợp gặp sự cố.

Dự kiến việc chuyển đổi được thử nghiệm trong 3 tuần cuối của tháng này, để vận hành chính thức từ đầu tháng 7.

* PV: Với FPT, áp lực khi triển khai kế hoạch này là gì, thưa ông?

- Ông Dương Dũng Triều: Áp lực cũng nhiều, nhưng chúng tôi cảm nhận rằng, áp lực lớn nhất đó chính là sự kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư. Bởi chúng ta biết rằng, đây là khối lượng công việc không hề nhỏ và phức tạp để thay thế cả một hệ thống giao dịch chứng khoán lớn, chứ không phải đơn thuần chỉ là việc xử lý sự cố kỹ thuật của một phần mềm.

Thông thường việc xây dựng một hệ thống lớn có thể xử lý lượng giao dịch lớn được triển khai trong điều kiện bình thường (không dịch bệnh và áp lực thời gian) phải tính đơn vị “bằng năm” mới hoàn thiện.

FPT đã có dịp tham khảo Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia khi thay hệ thống giao dịch mới mua từ Nasdaq OMX. Họ đã tổ chức một lực lượng 144 người chuyên trách phối hợp cùng nhà thầu triển khai dự án trong vòng 14 tháng, từ đầu tháng 1/2008 đến tháng 3/2009.

Trong khi đó, kế hoạch “100 ngày” xây dựng hệ thống thay thế của chúng tôi chỉ có 50 nhân sự FPT phối hợp với 30 chuyên gia HOSE làm việc liên tục trong điều kiện dịch bệnh phức tạp lẫn yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Chúng tôi nhận bài toán nâng công suất xử lý 3 - 5 triệu lệnh/ngày, ít nhất gấp 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các CTCK để tránh nghẽn cục bộ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt chúng tôi và HOSE đẩy nhanh tiến độ, nhằm đáp ứng nhanh nhất kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch đã được các bên chốt duyệt dường như không còn khe hở nào, vì thế tiến độ muốn nhanh cũng không thể hơn được. Trong khi đó, để có lời giải chính xác và hạn chế sai sót xuống mức thấp nhất, sự thận trọng, không đốt cháy giai đoạn là một trong những ưu tiên hàng đầu.

* PV: Vậy khi triển khai xong, FPT có vai trò thế nào sau khi hệ thống này vận hành, thưa ông?

- Ông Dương Dũng Triều: Chúng tôi được giao vận hành hệ thống này một năm trong thời gian chờ hệ thống của KRX hoàn thiện. Hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phức tạp hơn rất nhiều bởi đơn vị thụ hưởng không chỉ riêng HOSE mà còn HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Dù vậy, chúng tôi vẫn đồng hành và tư vấn để HOSE vận hành hệ thống này trơn tru và không bị lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài như đang xảy ra với hệ thống hiện tại, và sẵn sàng có thể cùng HOSE nhanh chóng nâng cấp, mở rộng năng lực hệ thống khớp lệnh này để đáp ứng yêu cầu cao hơn.

* PV: Hệ thống hiện nay của HOSE liên tục bị nhà đầu tư than phiền vì tình trạng nghẽn lệnh. Với tư cách là người trực tiếp xây dựng hệ thống khớp lệnh dự phòng, ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Ông Dương Dũng Triều: Hệ thống giao dịch của HOSE đang hoạt động theo cơ chế phân bổ lệnh cho các CTCK nên có hai khả năng dẫn đến tình trạng nghẽn như đã thấy trong tình hình bùng nổ thanh khoản giao dịch vừa qua. Thứ nhất là, lệnh vào hệ thống của một số công ty đột biến, dẫn đến nghẽn cục bộ tại đây, trong khi hệ thống các công ty khác vẫn trơn tru. Thứ hai, khi nhà đầu tư sử dụng hơn 90% công suất lệnh thì hệ thống phải chạy chậm lại và xử lý thông tin không còn mượt mà, nhưng không ngừng hoạt động.

Trước áp lực các nhà đầu tư đang kỳ vọng quá nhiều về việc xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh kéo dài từ cuối năm 2020 đến giờ, nhưng từ góc độ người làm công nghệ, tôi khẳng định rằng, việc giải quyết dứt điểm nghẽn lệnh trong “một sớm một chiều” là bất khả thi. Mặt khác, việc đầu tư một hệ thống mới để thay thế khẩn cấp hệ thống hiện tại cũng vướng những quy định của Nhà nước do HOSE đang trong quá trình triển khai một hệ thống khác (KRX).

Trong lúc cùng chúng tôi xây dựng một hệ thống khớp lệnh thay thế, HOSE cũng song song làm việc với chuyên gia của KRX để phát triển hệ thống mới dài hạn và đồng thời cắt cử nhân sự duy trì hoạt động thông suốt cho hệ thống hiện tại. HOSE cũng nghiên cứu, thử nghiệm nhiều giải pháp ngắn hạn để khơi thông tạm thời ách tắc và thực tế đã có hiệu quả. Ví dụ như, việc tối ưu hóa hệ thống giúp thanh khoản mới cải thiện từ 12.000-13.000 tỷ đồng/ngày lên trên 30.000 tỷ đồng/ngày như hiện nay; song rõ ràng để giải quyết được triệt để thì vẫn phải chờ hệ thống mới vận hành.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Kim Cương

Kim Cương

© Thời báo Tài chính Việt Nam