Vì sao giá cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh liên tục lao đốc?

17:56 | 11/06/2021 Print
Nhà đầu tư liên tục bán ra với mức giá sàn cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, sau thông tin doanh nghiệp này phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) từ nguốn vốn chủ sỡ hữu và số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành này là 0 đồng.

dxg

Công bố thông tin của DXG kiến cổ phiếu biến động mạnh. Ảnh: T.L

Rủi ro cho cổ đông hiện hữu

Tập đoàn Đất Xanh vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên với nhiều chi tiết gây bức xúc cho nhà đầu tư. Theo đó, DXG lên kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thay vì người lao động phải trả tiền để được hưởng số cổ phiếu trên, nguồn vốn tài trợ cho chương trình ESOP là 70 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu đến thời điểm phát hành trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Đất Xanh. Do đó, số tiền mà Đất Xanh dự kiến thu được là 0 đồng. Phương án thưởng cổ phiếu ESOP của Đất Xanh lần này lại được đưa ra sau năm 2020 kinh doanh thua lỗ.

Thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy chế ESOP được đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị xây dựng quy chế ESOP chi tiết. Đối tượng phát hành sẽ do ban điều hành ESOP quyết định nhưng không giới hạn gồm hội đồng quản trị, người lao động trong công ty.

Trước thông tin bán cổ phiếu ESOP 0 đồng cho lãnh đạo và nhân viên giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, khối ngoại cũng bán ròng nhiều phiên. DXG có hai phiên giao dịch liên tiếp giảm kịch sàn, giá tham chiếu của DXG tại ngày 11/6/20211 là 23.400 đồng/cổ phiếu .

Đáng chú ý, trước khi cổ phiếu nằm sàn la liệt, ban lãnh đạo công ty đã kịp chốt lời cổ phiếu ngay vùng đỉnh, thu về hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc DXG trong hai ngày 3/6 và 4/6/2021, đã bán thành công 690.000 cổ phiếu DXG, thông qua phương thức khớp lệnh, giá trị giao dịch tạm tính theo ngày 4/6, ông Sơn đã thu về khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Lê Hào, Phó tổng giám đốc Đất xanh, cũng bán ra 150.000 cổ phiếu DXG trong giai đoạn 24/5 - 31/5. Tính theo thị giá ngày 31/5, ông Hào có thể đã thu về hơn 4 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Đào Thu Thảo, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, việc phát hành cổ phiếu cho người lao động không còn quá xa lạ với doanh nghiệp, đặc biệt là công ty đại chúng. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp phát hành ESOP với các ưu đãi và điều kiện khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với giá cổ phần bằng mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/1 cổ phiếu hoặc là 20.000đồng/1cổ phiếu nhưng so với giá thị trường thì giá phát hành thường sẽ thấp hơn, thậm chí là 0 đồng/1cổ phiếu.

Theo quy định tại Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014, giá bán cổ phiếu có thể thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán theo quy định tại điều lệ công ty hoặc nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Vậy việc phát hành ESOP với giá 0 đồng theo quy định tại điều lệ công ty hoặc nghị quyết đại hội đồng cổ đông không trái quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, ngoài các lợi ích cho người lao động thì việc phát hành này cũng mang lại rủi ro cho cổ đông hiện hữu. Khi một công ty phát hành cổ phiếu mới khiến cho tỉ lệ sở hữu công ty của các cổ đông hiện tại bị giảm xuống, dẫn tới thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của cổ đông bị sụt giảm. Nó giống như việc “một chiếc bánh thay vì chia cho 100 người thì lại phải chia cho 150 phần. Từ đó ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư dẫn tới việc họ có hành động bán ra cổ phiếu” - bà Thảo chia sẻ.

Lỗi hẹn cổ tức

Trước những thông tin phản ứng tiêu cực trên thị trường, Tập đoàn Đất Xanh đã chính thức lên tiếng về việc này. Theo đó công ty cho biết, trong lộ trình triển khai chiến lược 10 năm nhiều tham vọng và đầy thách thức của tập đoàn, chế độ thu hút và gìn giữ nhân tài trong giai đoạn này là hết sức cần thiết. Do vậy, việc triển khai chính sách ESOP trong năm 2021 cũng nằm trong mục tiêu này. Cụ thể, đối với đợt phát hành ESOP này dự kiến áp dụng chính sách phong tỏa trong vòng 5 năm để đảm bảo tính cam kết của đội ngũ nhân sự.

Bên cạnh đó, Đất Xanh phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ (chiếm 38,59%) cổ phiếu đang lưu hành) với mức giá bán ra được xác định là chiết khấu 20% so với mức giá bình quân đóng cửa trong 20 ngày giao dịch gần nhất của cổ phiếu DXG trước thời điểm hội đồng quản trị quyết định mức giá phát hành cụ thể. Thời hạn chuyển nhượng cổ phiếu là 1 năm.

Năm 2020, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 2.890 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 495,7 tỷ đồng. Năm 2021, ban lãnh đạo đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng tăng 311%, lợi nhuận sau thuế 1.350 tỷ đồng. Theo lý giải của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của công ty đã chịu ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Lợi nhuận sau thuế không đạt được kỳ vọng nên doanh nghiệp địa ốc này đã quyết định không chi thưởng cho hội đồng quản trị, ban điều hành và không chi trả cổ tức bằng tiền mặt (dự kiến 20%) cho năm 2020 như kế hoạch. Công ty đã “lỡ hẹn” cổ tức năm 2020. Để đạt được mức dự kiến 20% cho năm 2021, Đất Xanh cũng phải sẵn sàng cho nguồn tiền chi trả cổ tức, ước khoảng hơn 1.450 tỷ đồng, tính trên số cổ phiếu sau khi phát hành thành công./.

Gió đổi chiều, cổ phiếu DXG lại tăng trần

Ngày 11/6 DXG công bố thông tin nghị quyết hội đồng quản trị về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 15%. Bên cạnh đó cũng thông qua việc điều chỉnh hình thức phát hành ESOP theo mệnh giá 10 nghìn đồng (cổ phiếu) giới hạn chuyển nhượng 2 năm chứ không phải lấy từ nguồn vốn chủ sỡ hữu mà công ty công bố trước đó. Phiên giao dịch ngày 11/6 cổ phiếu DXG tăng trần với khối lượng giao dịch hơn 20,7 triệu đơn vị, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 5,9 triệu đơn vị./.

New Document

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam