Áp lực bán quá lớn, thị trường giảm điểm mạnh

16:41 | 08/06/2021 Print
Thị trường có phiên lao dốc mạnh chưa từng thấy trong gần 5 tháng. Áp lực quá lớn từ khối lượng cổ phiếu khổng lồ dồn nén lại trong xu hướng tăng của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang gây tác hại ngược.

CKCổ phiếu ngân hàng không “ngóc” nổi

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm. Nếu nhóm cổ phiếu nào có nguy cơ xả nhất thì chính là ngân hàng. Đơn giản vì nhóm này có hai yếu tố “nguy hiểm”: Dòng tiền tập trung quá nhiều và nhà đầu tư “đu bám” đông; đà tăng giá của nhiều mã rất cao nghĩa là nhà đầu tư đang có lãi lớn.

Hôm qua nhiều mã ngân hàng chao đảo giảm với thanh khoản cao. Đó là tín hiệu cho thấy đang có nhiều nhà đầu tư muốn chốt lời. Hôm nay nhóm này bị xả cực mạnh nhưng lực cầu yếu đi đáng kể, dẫn tới giá giảm sâu và thanh khoản sụt giảm.

Dòng tiền vẫn đang rất chú ý đến cổ phiếu ngân hàng. Cuối phiên hôm qua lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã phục hồi, dù vẫn giảm so với tham chiếu. Sáng nay thậm chí cổ phiếu ngân hàng còn tăng khá. Chẳng hạn có lúc tăng 0,8%, CTG tăng gần 1%, CTB tăng 1%, TPB tăng 0,8%, VCB tăng 1%.

Không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng đà đi lên của cổ phiếu ngân hàng còn kéo dài. Do đó khi giá giảm mạnh vẫn kích thích được lực cầu bắt đáy. Thế nhưng hôm nay không phải là một ngày để bắt đáy, vì lực bán quá mạnh.

Sang phiên chiều, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lại quay đầu giảm sâu hơn. Điều đó cho thấy tiếp tục có nhu cầu thoát ra ở nhóm cổ phiếu này. Đến cuối phiên, tất cả cổ phiếu ngân hàng trên 3 sàn đều giảm mạnh, thậm chí LPB và STB còn giảm sàn. Các mã khác giảm trên 6% có thể kể tới là ACB giảm 6,51%, BAB giảm 8,13%, EIB giảm 6,26%, HDB giảm 6,78%, KLB giảm 7,27%, MBB giảm 6,16%.

Nhóm trụ lớn nhất của ngân hàng là VCB cũng giảm 2,91%, BID giảm 4,27%, CTG giảm 5,77%, TCB giảm 5,53%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số VN-Index.

Đó là chưa kể tới hiệu ứng giảm giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Chẳng hạn VIC buổi sáng có lúc tăng 2,2% so với tham chiếu, nhưng sang chiều cũng đổ đèo giảm 2,6%. VHM tương tự, từ chỗ tăng 3,3% bốc hơi giảm 0,66%. Ảnh hưởng của những mã này lớn không kém gì VCB, BID hay CTG. Nếu như các cổ phiếu ngân hàng giảm mà vẫn có trụ khác tăng thì VN-Index có thể được nâng đỡ ở mức độ nhất định. Phiên này duy nhất VNM tăng 0,34%, VJC tăng 4,83% là mã có vốn hóa khá lớn và tăng giá. VN-Index do đó đóng cửa giảm tới gần 39 điểm, tương đương 2,86%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 1.

Margin có rủi ro?

Sau khi số liệu thống kê cập nhất tới cuối tháng 5 về tình hình margin được công bố, đã có nhiều tranh cãi rằng liệu “tiền thịt” của nhà đầu tư nhiều hơn hay margin nhiều hơn?

Thực tế con số margin chỉ là một trong những nguyên nhân khiến một xu hướng tăng giá nào đó đạt đỉnh. Quan trọng hơn là quan điểm về rủi ro của các nhà đầu tư đang đu bám xu hướng tăng giá đó. Ví dụ lượng tiền margin đang thổi giá cổ phiếu ngân hàng có thể không quá lớn, nhưng tổng thanh khoản hàng ngày vẫn là một con số đang ngại, vì rất nhiều người cố đầu cơ các cổ phiếu này. Khi số lượng người đạt tới hạn, sẽ có nhiều người chốt lời và chuyển vốn sang các cổ phiếu khác. Đó là lý do khiến lực cầu yếu đi. Sau đó mới là tác động của margin.

Đối với toàn thị trường cũng vậy, margin 112 ngàn tỷ chưa chắc đã là con số quá lớn đối với lượng tiền đang có trong thị trường. Vấn đề là lượng tiền đó không muốn mua đỡ nếu như margin được xả ra.

Đà tăng giá quá mạnh thì tất yếu có lúc phải giảm, đó là quy luật bình thường. Chiều tăng là do người mua nhiều hơn người muốn bán và ngược lại, lúc này nhiều người muốn bán hơn người mua. Margin chỉ trở nên nguy hiểm nếu như nhà đầu tư muốn chủ động giảm, hoặc giá giảm vượt quá một ngưỡng nhất định.

chứng khoán 8-6

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

28.127 tỷ đồng (+2%)

874,6 triệu (+4%)

5.273 tỷ đồng (-3%)

222,2 triệu (-1%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam