Thanh khoản lại lên kỷ lục mới, VN-Index tăng 5 tuần liên tiếp

16:26 | 04/06/2021 Print
Đà tăng không ngừng nghỉ của thị trường đã kéo sang tuần thứ 5 liên tiếp. Mức tăng khá tốt gần 10 điểm hôm nay giúp cả tuần VN-Index tăng 53,59 điểm. Đặc biệt hôm nay thanh khoản lại lên đỉnh cao mới.

CKGiao dịch kỷ lục của VPB

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút chú ý rất lớn cũng như tập trung dòng tiền mạnh. Hôm nay nhiều cổ phiếu ngân hàng bắt đầu giảm giá. Tuy vậy “sức sống” của nhóm này vẫn bền bỉ. Bằng chứng là thanh khoản vẫn duy trì rất lớn.

Giao dịch khổng lồ xuất hiện tại VPB là một lý do để thấy cổ phiếu ngân hàng chưa “hết thời”. VPB ban đầu sụt giảm mạnh 2,83% so với tham chiếu, nhưng sau đó lại bật ngược tăng 1,56%. Đằng sau biến động giá thành công này là quy mô giao dịch kỷ lục 76,58 triệu cổ, tương đương 5.376 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch chưa từng có ở VPB, chưa từng có ở cổ phiếu ngân hàng nào và dĩ nhiên cũng là vô tiền khoáng hậu trên thị trường.

Toàn bộ số cổ phiếu khổng lồ nói trên được giao dịch bằng phương thức khớp lệnh. Nhà đầu tư đã tham gia một cuộc chiến cung cầu hiếm có và chủ yếu là nhà đầu tư trong nước.

Ngoài VPB, cổ phiếu ngân hàng cũng xuất hiện giao dịch khá lớn với MBB, STB, TCB, CTG, SHB.

Tuy vậy cổ phiếu ngân hàng không còn tăng đồng loạt nữa, đặc biệt là các mã nhỏ. Đã bắt đầu có hiện tượng chốt lời đẩy giá giảm. LPB giảm 1,3%, BVB giảm 2,4%, VBB giảm 2%, SGB giảm 3,5%, NAB giảm 3,2%, NVB giảm 3,7%, BAB giảm 2,9%. Ngay trong nhóm ngân hàng blue-chips, VCB cũng giảm 1,69%, TCB giảm 0,36%, STB giảm 1,83%, HDB giảm 0,98%...

Việc cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời không phải đến hôm nay mới có. Trong suốt xu hướng tăng mạnh mẽ, cổ phiếu nhóm này bị xả từng nhịp, nhưng dòng tiền mới vào lại kéo tăng tiếp. Vì vậy điều quan trọng không phải là có chốt lời hay không, giá giảm hay tăng, mà là dòng tiền còn vào lớn thêm nữa không. Biến động giá cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền.

Cổ phiếu chứng khoán cũng rơi vào hiện tượng tương tự. Không còn cảnh tăng trần cả loạt nữa, nhiều mã chứng khoán quay đầu giảm. HCM giảm 0,48%, SSI giảm 0,31%, MBS giảm 1,59%, HBS giảm 8,65%, BSI giảm 5,11%, BVS giảm 3,13%... CTS, VCI, FTS, VDS vẫn tăng giá.

Như vậy thị trường bắt đầu có biểu hiện chốt lời tùy mã, bất chấp là có thuộc nhóm dẫn dắt hay không. Thực tế thì tình trạng tăng giá cả loạt luôn là biểu hiện của dòng tiền đầu cơ phong trào xuất hiện. Kể cả các ngân hàng hay công ty chứng khoán, luôn có doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp chất lượng chưa tương xứng với giá. Do đó sẽ đến thời điểm dòng tiền trở nên chọn lọc hơn.

Thanh khoản lập kỷ lục mới

Hiện tượng chậm nhận lệnh không ngăn cản giao dịch hôm nay lên đỉnh kỷ lục mới. Hai sàn đạt tổng giá trị hơn 36.000 tỷ đồng. Mức khớp lệnh đạt trên 33.800 tỷ đồng. Riêng sàn HSX đạt gần 29.200 tỷ đồng khớp lệnh.

Năng lực thanh khoản vẫn có thể còn gia tăng được nữa nếu như hệ thống giao dịch thông suốt hơn. Ví dụ HSX đợt ATC giao dịch chưa tới 64 tỷ đồng toàn sàn, tức là rất nhiều lệnh đã bị treo lại.

Tuy nhiên đóng góp khá tiêu cực cho thanh khoản lớn hôm nay là giao dịch bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 1.487 tỷ đồng lại bị rút đi khỏi cổ phiếu sàn HSX và khoảng 45 tỷ đồng khỏi sàn HNX.

MBB bị bán ròng đột biến gần 510 tỷ đồng. Lực bán này chiếm khoảng 38% khối lượng giao dịch cả ngày của mã này. Đây là một phần lý do khiến MBB đang tăng 3,77% bị tụt xuống còn 0,97% so với tham chiếu.

HPG cũng bị bán ròng 427 tỷ đồng, VSC bị bán 362 tỷ, VIC khoảng 218 tỷ, VNM là 172 tỷ, VHM khoảng 84 tỷ, HDB là 78 tỷ đồng. Hàng loạt mã khác bị bán ròng từ 20 tới 50 tỷ đồng. Phía mua ròng có VRE với 128 tỷ đồng, PLX đạt 70 tỷ và OCB là 67 tỷ đồng ròng.

Quy mô bán ròng của khối ngoại tuần này lên tới trên 5.900 tỷ đồng, lập kỷ lục từ đầu năm tính theo tuần. Điều may mắn là dòng vốn nội vẫn còn nâng đỡ tốt và chưa khiến cổ phiếu sụp đổ về giá.

chứng khoán 4-6

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

29.180 tỷ đồng (+5%)

887,7 triệu (+4%)

4.644 tỷ đồng (-13%)

203 triệu (-9%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam