Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã lan tỏa tốt hơn

16:06 | 02/06/2021 Print
Động lực chính giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng thời gian qua đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và dòng tiền chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân. Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Phan Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

5

Tôi tin rằng, nhóm cổ phiếu midcap sẽ thu hút được dòng tiền trong thời gian tới. Theo tôi, một số cổ phiếu midcap có triển vọng tốt và kết quả kinh doanh ấn tượng thì dòng tiền sẽ quay trở lại sau một thời gian điều chỉnh tương đối dài

phan linh

Ông Phan Linh

* PV: Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây cho thấy sự khởi sắc, khi các chỉ số và khối lượng giao dịch đều ở mức cao nhất lịch sử. Theo ông, đâu là động lực giúp thị trường chứng khoán thời gian qua có bức phát triển nhanh như vậy?

Ông Phan Linh: Theo quan sát của tôi, chỉ số VN-Index vượt 1.300 điểm là một dấu mốc quan trọng của thị trường và là đỉnh lịch sử từ khi thành lập đến nay. Đây cũng là kỳ vọng của rất nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, quan sát thị trường cho thấy những nhóm cổ phiếu trụ như bluechip, ngân hàng, thép, chứng khoán tăng rất mạnh và dòng tiền chỉ tập chung vào những cổ phiếu đó. Trong khi đó cổ phiếu midcap, penny lực bán mạnh. So với giai đoạn trước nhiều cổ phiếu midcap penny đã giảm 15 - 20%. Do đó, khi thị trường vượt đỉnh lịch sử nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư vẫn đang bị bào mòn.

Động lực chính giúp thị trường tăng trưởng thời gian qua đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và dòng tiền chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân. Minh chứng là, từ đầu năm tới nay lượng mở tài khoản mở mới hàng tháng đều trên 100 nghìn tài khoản, điều này cho thấy dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đang rất dồi dào. Bên cạnh đó mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp khoảng 5 - 5,5% trong một thời gian dài, do vậy dòng tiền tìm đến kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn trong đó có chứng khoán.

* PV: Khác với giai đoạn trước dòng tiền chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu thép, tài chính như chứng khoán ngân hàng, giai đoạn hiện nay, dòng tiền đã bắt đầu lan tỏa ra những cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) và cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny)? Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của nhóm cổ phiếu này?

Ông Phan Khánh Linh: Quan sát thị trường gần 3 tháng qua xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Tuy nhiên thời gian gần đây, dòng tiền bắt đầu quay trở lại nhóm cổ phiếu midcap. Có thể nói đây là dấu hiệu đáng mừng, dòng tiền lan tỏa trở lại.

Khi Vn-index liên tục lập đỉnh, quan sát độ rộng thị trường có khoảng hơn 30 mã xanh còn lại 60% các mã đỏ. Nhưng trong những phiên gần đây thì tỷ lệ đã ngược lại hơn 30% mã đỏ và 60% mã xanh. Điều này thể hiện dòng tiền lan tỏa tốt hơn không chỉ tập trung ở nhóm bluechip mà lan tỏa sang nhóm cổ phiếu midcap và penny. Tôi tin rằng nhóm cổ phiếu midcap sẽ thu hút được dòng tiền trong thời gian tới. Theo tôi một số cổ phiếu midcap có triển vọng tốt và kết quả kinh doanh ấn tượng thì dòng tiền sẽ quay trở lại sau một thời gian điều chỉnh tương đối dài.

* PV: Thời gian gần đây, thị trường được hỗ trợ khá nhiều từ dòng tiền của nhà đầu tư nội. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dòng tiền này và dự báo của ông trong thời gian tới dòng tiền này có tiếp tục tạo động lực cho thị trường?

Ông Phan Linh: Thời quan qua, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã nâng đỡ thị trường khá nhiều. Nếu như dòng tiền nhà đầu tư trong nước rút ra sẽ là tin tương đối xấu với thị trường. Dòng tiền đầu tư sẽ trên thị trường chứng khoán rất nhạy với lãi suất. Năm ngoái khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất tiền gửi giảm từ 7% xuống còn 5%. Ngay lập tức thị trường chứng khoán phản ứng rất tích cực với thông tin đó.

Nếu quan sát, giá hàng hóa trên thế giới như giá thép, giá cao su, nông sản… đều tăng mạnh sẽ gây áp lực lạm phát. Đơn cử như CPI của Mỹ trong tháng 4 đạt 4,2% đã vượt ngưỡng của những nhà dự báo ban đầu là 3,8%. Nếu như đà tăng này duy trì có khả năng trong thời gian tới, thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng phải có chính sách siết chặt lại dòng tiền bằng cách tăng lãi suất hoặc hút vốn trên thị trường mở, từ đó sẽ gây ảnh hưởng dòng tiền vào thị trường tài chính.

Trở lại với Việt Nam, nhà đầu tư cần quan sát chặt chỉ số lạm phát, khi giá nhiều mặt hàng tăng CPI sẽ bị áp lực dẫn tới lo ngại việc lạm phát có thể khiến dòng tiền rẻ không được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, hiện nay việc lãi suất huy động tiếp tục được duy trì ở mức thấp, do đó thời gian tới dòng tiền vào thị trường vẫn dồi dào và chưa có hiện tượng rút ra trong ngắn hạn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam