Lý giải về đợt tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng

11:34 | 27/05/2021 Print
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu sóng tăng và trở thành trợ thủ đắc lực cho thị trường chứng khoán tăng điểm. Nếu tính từ đầu năm 2021, nhiều “cổ phiếu vua” đã mang lại mức lợi nhuận ấn tượng cho các nhà đầu tư nắm giữ.

Hầu hết tăng giá mạnh, thậm chí có cổ phiếu tăng gấp đôi

Liên tục là trụ đỡ cho đà tăng của thị trường, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng đều bật tăng mạnh mẽ tính từ đầu năm tới nay. Bên cạnh hậu thuẫn từ sự tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, chính sách dễ thở hơn của ngành ngân hàng, thì nhiều ngân hàng đã có “câu chuyện riêng” khiến các mã này hút rất mạnh dòng tiền. So sánh giữa thời điểm hiện nay với đầu năm, phần lớn các cổ phiếu ngành ngân hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới, thậm chí còn có những mã tăng hơn 100%, tức là hơn gấp đôi.

Nếu như mức tăng 2,8% của ngành trong tuần cuối tháng 4 được đóng góp nhiều nhất bởi VPB với thương vụ bán 49% tại FE Credit, thì TCB đã dẫn đầu nhóm cổ phiếu ngân hàng về mức tăng trong tuần đầu tháng 5 nhờ câu chuyện về tăng trưởng lợi nhuận quý I cũng như triển vọng cả năm 2021. Một số ngân hàng có lợi nhuận quý I/2021 tăng trưởng tốt như CTG, HDB, TPB và LPB thì giá cổ phiếu cũng đã chạy sau nhiều ngày lình xình trước đó.

cổ phiếu ngân hàng
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá rất mạnh kể từ đầu năm. Ảnh: Duy Dũng.

Mới đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 26/5, nhà đầu tư chứng kiến sắc xanh chiếm ưu thế tại nhóm ngân hàng và đây không phải là câu chuyện hiếm gặp kể từ đầu năm nay. Cụ thể, MBB trở thành điểm nhấn của ngành với mức tăng 4,7% qua đó thiết lập mức đỉnh mới của cổ phiếu; cùng chung trạng thái đi lên, TCB và VPB tăng tương ứng 2,3% và 1,2%.

Cũng trong phiên này, một số cổ phiếu khác cho mức sinh lời ấn tượng có thể kể đến như SSB (+6,7%), EIB (tăng trần), LPB (+6,3%). MBB cùng với TCB thuộc tốp nâng đỡ tốt nhất cho VN-Index trong phiên vừa qua, đồng thời giúp chỉ số thiết lập mức cao mới 1.316,7 điểm.

Nếu tính kể từ đầu năm 2021, phần lớn cổ phiếu ngân hàng đều mang lại mức lợi nhuận cao cho nhà đầu tư nắm giữ, có thể lấy ví dụ như: VPB (+108%), TCB (+67,6%), MBB (+63%), CTG (+49,1%),…

Ba lý do giúp cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu sóng

Lý giải về đà tăng “không mệt mỏi” này của nhóm “cổ phiếu vua”, các chuyên gia của SSI Research đã đưa ra 3 nguyên nhân chính đã giúp nhóm này trở nên “đẳng cấp” hơn trên thị trường chứng khoán thời gian qua.

Thứ nhất, kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo số liệu cập nhật của SSI Research, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng mạnh +78,2% so với cùng kỳ, nhờ đẩy nhanh xử lý nợ xấu trong quý IV/2020, hệ số biên lãi ròng (NIM) cải thiện,…

Thứ hai, văn bản pháp lý mới giúp giãn thời gian trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu. Theo đó, Thông tư 03/2021/NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/NHNN vừa có hiệu lực từ ngày 17/5 vừa qua, quy định việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Văn bản mới cho phép các ngân hàng phân bổ chi phí dự phòng trong vòng 3 năm đối với nợ tái cơ cấu, thay vì trích lập luôn sau tái cơ cấu theo yêu cầu của văn bản cũ. Động thái này sẽ giúp các ngân hàng phân tán tác động của việc trích lập dự phòng tới lợi nhuận của ngân hàng” – chuyên gia của SSI Research cho hay.

Thứ ba là câu chuyện tăng vốn. Dự kiến có 16 ngân hàng (tính riêng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research) lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch sẽ tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 61,7 nghìn tỷ đồng (75%) đến từ cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng; 18,3 nghìn tỷ đồng dưới dạng phát hành riêng lẻ/quyền mua cổ phiếu và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP (cổ phiếu dành cho người lao động).

“Hoạt động tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có khả năng duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đồng thời đảm bảo biên độ an toàn của vốn trước tác động của nợ xấu (do dịch bệnh)” – SSI Research nhấn mạnh./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam