Dòng tiền lớn đưa VN-Index vượt đỉnh

16:24 | 21/05/2021 Print
Không còn nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt nổi bật, VN-Index hôm nay phải trông cậy vào các cổ phiếu đơn lẻ. Dù vậy sức mạnh của dòng tiền lớn vẫn đủ để đưa chỉ số này lên đỉnh cao lịch sử.

CKNgân hàng, chứng khoán và thép cùng phân hóa

Những phiên giao dịch vừa qua thị trường tách nhóm cổ phiếu rất rõ. Ngân hàng và thép cùng thu hút dòng tiền và có sóng mạnh. Hôm qua nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu tham gia. Tuy nhiên đến phiên cuối tuần, ngay trong các nhóm cổ phiếu mạnh nhất cũng bắt đầu có hiện tượng phân hóa.

Ngân hàng vẫn nhiều mã tăng tốt. Điển hình là BID hôm nay có phiên kịch trần đầu tiên của năm 2021. Cổ phiếu này vốn hóa khá lớn, thuộc Top 10 của VN-Index, nên mức tăng 6,93% tất yếu có ảnh hưởng tích cực. Đối cực là VCB, cổ phiếu vốn hóa còn lớn hơn BID, đóng cửa giảm tới 2,22%. Tính về mặt ảnh hưởng thì VCB cũng triệt tiêu gần hết mức tăng của BID đối với VN-Index.

Những cổ phiếu ngân hàng khác phân hóa đối lập là TCB tăng 1,2% thì STB giảm 1,87%; VPB tăng 1,5% thì CTG giảm 1,33%; HDB giảm 0,31% thì MBB tăng 0,43%...

Trong nhóm chứng khoán cũng vậy, SSI tăng 1,3% thì HCM giảm tới 2,16%; VND giảm 0,45%, VCI giảm 0,27%, MBS giảm 2,86% thì BSI tăng 1,84%, AGR tăng 0,88%...

Đối với nhóm thép, các mã quan trọng đều giảm: HPG giảm 1,5%, HSG giảm 0,39%, NKG giảm 1,29%, VIS giảm 4,46%...

Từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt này, có thể thấy thị trường đang bắt đầu phân hóa mạnh hơn ngay cả với nhóm dẫn dắt. Sẽ khó có chuyện các mã tăng cùng lúc như trước. Điều này cũng là nguyên nhân khiến VN30-Index sau những tuần vượt trội bắt đầu chững lại, hôm nay chỉ tăng may mắn 0,01% so với tham chiếu.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thị trường mất trụ. Đã có các mã đơn lẻ khác tham gia tăng giá. Ví dụ phiên này là VHM tăng 1,86%, VNM tăng 1,36%, PLX tăng 5,51%, GVR tăng 2,63%.

Thực tế thanh khoản hôm nay cho thấy thị trường vẫn đang thu hút dòng tiền rất ổn định và mạnh. Tổng giá trị hai sàn vượt 26.900 tỷ đồng, trong đó hơn 2.600 tỷ là thỏa thuận. Như vậy mức khớp lệnh cũng gần tương đương với phiên kỷ lục lịch sử hồi tháng 4 vừa qua. Liên tiếp các phiên trong tuần thị trường đạt thanh khoản cao, tạo mức giao dịch khớp lệnh bình quân lên đến 23.292 tỷ đồng/ngày. Mức giao dịch này là ngưỡng trung bình cao lịch sử tính theo đơn vị tuần.

Đến thời của cổ phiếu nhỏ?

Một diễn biến khá bất ngờ hôm nay là khả năng bứt phá ở nhóm cổ phiếu nhỏ. Nhà đầu tư suốt từ đầu tháng 5 tới nay nếu nắm giữ cổ phiếu vừa và nhỏ gần như không có lãi. Dòng tiền chủ đạo tập trung vào các blue-chips. Đến hôm nay thì tình thế ngược lại.

Chỉ số Midcap đóng cửa tăng 1,37%, chỉ số Smallcap tăng 1,32%, trong khi VN30-Index tăng 0,01%. Sự khác biệt này gần như đảo ngược so với những ngày trước. Không chỉ tăng khác biệt về điểm số, hôm nay cũng chứng kiến số lượng cổ phiếu tăng giá rất nhiều trong cả hai rổ này. Midcap có số mã tăng gấp 3,2 lần số mã giảm; Smallcap có số mã tăng gấp 2,3 lần số giảm.

Nếu như các phiên trước nhà đầu tư chịu thiệt hại khi cổ phiếu giảm giá dù chỉ số tăng thì hôm nay đã có sự cùng chiều. Ngay cả khi Vn30-Index tăng không đáng kể thì số lượng mã tăng giá cũng nhiều hơn. Về tổng thể, điều đó nghĩa là nhà đầu tư có cơ hội nhìn thấy cổ phiếu của mình tăng giá hơn là giảm giá.

Liệu thị trường có sự xoay chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu nhỏ? Hiện tượng tăng giá ồ ạt ở các mã nhỏ hôm nay là tín hiệu khá tích cực, rằng mức điều chỉnh đã đến điểm hấp dẫn nhà đầu cơ rót tiền vào bắt đáy. Tuy vậy vẫn còn quá sớm để biết liệu dòng tiền có thật sự rời khỏi blue-chips để chuyển vào các mã nhỏ hay không. Những cổ phiếu tiêu biểu như ngân hàng, thép, vẫn đang giao dịch với thanh khoản cực cao. Chỉ những mã như vậy mới có chỗ cho các tổ chức giao dịch.

chứng khoán 21-5

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

21.149 tỷ đồng (+5%)

654,1 triệu (-7%)

3.120 tỷ đồng (+22%)

133 triệu (+7%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam