Khi doanh nghiệp hóa chất lấn sân sang lĩnh vực địa ốc

14:30 | 21/05/2021 Print
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã Ck:DGC) thành lập công ty con - Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng triển khai các dự và chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

dg

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dự kiến triển khai nhiều dự án trong năm 2021. Ảnh: T.L

Dự án nghìn tỷ chờ gỡ vướng

Được thành lập từ năm 1963, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - tiền thân là Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, đã trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển. Đây là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp và cũng là doanh nghiệp nổi lên nhờ chế tạo thành công hợp chất phun khử khuẩn CloraminB phục vụ phòng chống Covid-19. Năm 2020, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.001 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 948 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 66% so với năm 2019.

Năm 2021, Đức Giang dự kiến sẽ chi ra 640 tỷ đồng cho dự án bất động sản tổ hợp công trình công cộng, trường học và nhà ở Đức Giang, gồm 500 tỷ đồng để thanh toán quyền sử dụng đất dự án, 200 tỷ đồng xây dựng nhà liền kề và 20 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.410 tỷ đồng với quy mô dân số khoảng 2.263 người. Ngoài căn nhà ở thấp tầng (5 tầng), dự án còn có công trình nhà ở cao tầng được phép xây dựng 25 tầng.

Đại diện công ty cho biết dự án có khoảng 60 căn liền kề. Do ưu tiên bán cho cán bộ trong công ty mà nhu cầu của nội bộ đã đủ nên không bán ra bên ngoài. Mức giá công ty từng dự tính trong kế hoạch trước đây là 60 - 70 triệu đồng/m2 nhưng giá thị trường ở xung quanh đang lên 100 triệu đồng/m2. Giá chính thức sẽ được công bố khi đủ điều kiện bán thương mại.

Về lộ trình thực hiện dự án, sau khi có giấy phép đầu tư công ty sẽ xin giấy phép xây dựng triển khai ngay xây dựng nhà liền kề với thời gian thi công 4 - 6 tháng. Song song, công ty sẽ tìm đối tác làm phần trường học, chuẩn bị để xây dựng toà chung cư sao cho khi khu đất chung cư chuẩn bị bàn giao hạ tầng và trường học sẽ được hoàn tất. Khoản đầu tư dự án bất động sản này chiếm tới 55,4% giá trị đầu tư của Đức Giang năm 2021.

Công ty còn hai dự án khác đã đầu tư từ các năm trước sẽ đưa vào hoạt động năm nay gồm Khai trường 25 (động thổ giữa tháng 3/2020) và Nhà máy acid phosphoric điện tử công suất 30.000 tấn/năm (hoạt động vào tháng 8/2021) với số vốn bỏ thêm trong năm 2021 lần lượt là 65 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.

Một dự án khác nằm trong chiến lược đầu tư dài hạn của công ty là dự án Xút – Clo (giai đoạn 1 của dự án Nghi Sơn). Để chuẩn bị cho giai đoạn đầu với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, Hoá chất Đức Giang đã lập công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang – Nghi Sơn (DNC), với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Công ty đang làm đánh giá tác động môi trường và dự kiến khởi công vào quý II, giải ngân cho thiết bị 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo công ty cho biết dự án này dù được UBND tỉnh Thanh Hoá ủng hộ nhưng đang bị tắc do gặp trục trặc từ cộng đồng tại địa phương. Phía tỉnh dự kiến sẽ chi 260 tỷ đồng để di dời các hộ dân trong bán kính 1 km quanh dự án trong thời gian 3 - 6 tháng. Công ty cũng cử nhân sự cấp cao bám sát dự án, thuyết phục người dân về lợi ích của dự án.

Không muốn chia cổ tức bằng tiền mặt

Bên cạnh loạt các dự án đầu tư, Hoá chất Đức Giang cũng ghi nhận một năm 2020 kinh doanh khởi sắc mặc dù giá cả đầu vào, chuỗi cung ứng sản phẩm, hay xu hướng tăng của giá vận chuyển và vỏ container. Trong đó phốt pho vàng và các loại hóa chất khách chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu.

Đại diện công ty cho biết, phốt pho quan trọng trong ngành điện tử và càng trở nên cần thiết hơn với sự phát triển của công nghệ 5G. Sản phẩm của công ty cũng thiết yếu đối với ngành nông nghiệp với các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu. Kế hoạch năm 2021 đặt mục tiêu doanh thu là hơn 7.550 tỷ đồng, trong đó phốt pho vàng vẫn đóng góp nhiều nhất (3.240 tỷ đồng). Các sản phẩm hoá chất đóng góp lớn vào doanh thu của công ty còn có axit photphoríc thực phẩm và trích ly.

Về chí phí, năm 2020 chi phí vận chuyển cũng đã tăng tới 44,5% lên 275,6 tỷ đồng, phần lớn do sự thiếu hụt của vỏ container. Yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nhưng đến tháng 12 công ty đã gỡ được nút thắt. Nhu cầu vỏ container đã được đáp ứng đủ dù mức giá tăng cao 3 - 5 lần. Đồng thời, các khách hàng sẵn sàng chi trả phần tiền tăng của cước tàu.

Với phương án phân phối lợi nhuận, Hoá chất Đức Giang chia cổ tức bằng tiền 15% (đã được tạm ứng cuối 2020) và cổ tức bằng cổ phiếu 15% (tương đương với phát hành 22,3 triệu cổ phiếu). Kế hoạch cổ tức ban đầu của năm 2020 là 30% bằng tiền. Với lượng tiền mặt khá lớn (số dư tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng cuối năm 2020 xấp xỉ 1.840 tỷ đồng) và các hoạt động đầu tư tương lai gần như dự án bất động sản và dự án tại Nghi Sơn giai đoạn 1 đã thu xếp được nguồn tiền, một số cổ đông kiến nghị tăng thêm phần cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, theo giải thích từ lãnh đạo doanh nghiệp, tiền vẫn cần dồn cho những "quả đấm thép" khác từ chiến lược dài hạn của công ty, do đó công ty không chia cổ tức bằng tiền./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam