Khối ngoại giảm bán, VN-Index tăng gần 10 điểm

16:24 | 19/05/2021 Print
Thị trường từ từ tăng tốc phiên này dưới sự bảo đảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép. Cơn sốt đuổi giá bùng nổ, kéo theo mức tăng đột biến của chỉ số về cuối phiên.

CKHPG có đỉnh mới

Thị trường nói chung và các chỉ số nói riêng tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc vào hai nhóm cổ phiếu đình đám nhất hiện tại là ngân hàng và thép. Nhóm thép hôm nay nổi bật là hai mã HPG và HSG.

Đương nhiên HPG ấn tượng hơn HSG vì cổ phiếu này luôn duy trì mức thanh khoản cực cao. Hôm nay HPG giảm khoảng 27% thanh khoản khối lượng so với hôm qua, nhưng vẫn đạt 28,4 triệu cổ, tương đương giá trị 1.855 tỷ đồng.

Đặc biệt HPG tăng bùng nổ 4,26%, mức tăng tốt nhất trong ngày kể từ đầu tháng 5. Cổ phiếu này bứt phá hoàn toàn qua đỉnh cao tuần trước, nghĩa là trên đường tìm đỉnh lịch sử mới.

HSG đuối hơn HPG đáng kể, dù tính về tăng giá thì từ đầu tháng 5 tới hôm nay cũng được gần 22% (HPG tăng gần 14%). HSG tăng 0,65% phiên này và không thể vượt qua được đỉnh cao tuần trước. Thanh khoản duy trì mức 13,3 triệu cổ tương đương 519 tỷ đồng, cũng thuộc Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có một số mã vượt đỉnh tuần trước. Đó là CTG, TCB, MBB, VPB, STB. Không có gì bất ngờ, đây là những mã thu hút dòng tiền lớn nhất hôm nay: VPB đứng số 1 thị trường với hơn 2.746 tỷ đồng giá trị khớp lệnh; STB thứ hai với 1.306 tỷ đồng. Các mã còn lại cũng đều thuộc Top 10 thị trường.

Nhóm ngân hàng cũng có vai trò rất lớn khi đẩy chỉ số VN30-Index tăng tới 23,12 điểm hôm nay. Nhóm này chỉ giúp VN-Index tăng khoảng 9,8 điểm. Sự khác biệt này là điều không khó đoán, vì ngân hàng cùng với HPG là hai nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đối với VN30-Index, dù đối với VN-Index thì kém hơn.

Những mã ngân hàng ngược dòng chung chỉ có VCB giảm 0,53%, BID tham chiếu. VCB là mã tệ nhất nhóm ngân hàng, suốt từ cuối tháng 4 đến nay chỉ có đường giảm, đã bốc hơi 9,5% giá trị trong khi các mã khác tăng tốt. VCB cũng đang ngấp nghé đáy thấp nhất 2,5 tháng và nếu thủng có nguy cơ giảm sâu hơn. BID không đến nỗi tệ như VCB trong ngắn hạn nhưng từ đầu tháng 4 tới giờ cũng giảm hơn 10%.

Khối ngoại giảm bán

VN-Index tăng gần 10 điểm chưa phải là tín hiệu tốt nhất hôm nay. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài giảm áp lực mới là điều đáng chú ý. Nguyên nhân là trong bối cảnh dòng vốn trong nước đang cố gắng tạo sóng tăng mới, nếu cứ phải chống đỡ vốn ngoại xả thì sẽ rất tốn nguồn lực.

Phiên này khối ngoại co mức bán ròng lại còn 240 tỷ đồng. Bất ngờ CTG và MBB được mua ròng trở lại. Trong khi đó VPB vẫn bị xả mạnh hơn 87 tỷ đồng ròng. VHM cũng bị bán rất lớn 97 tỷ đồng. VCB, VIC, HPG, VRE, STB, NVL, PLX vẫn là những mã bị rút tiền. Phía mua CTG được rót ròng 127,4 tỷ, MSN khoảng 82 tỷ đồng.

Áp lực bán của khối ngoại giảm sẽ giúp dòng vốn trong nước có điều kiện giảm tải. Vấn đề còn lại là sự đồng thuận. Nếu nhìn vào VN-Index, đặc biệt là VN30-Index thì có vẻ thị trường rất tốt, nhưng thực ra sự đồng thuận còn thiếu.

Ngay trong mức tăng mạnh mẽ của VN30-Index hôm nay, số lượng cổ phiếu tăng giá cũng không quá áp đảo (16 mã tăng và 11 mã giảm). Đối với cả sàn HSX nói chung thì tình thế thậm chí còn “bi đát”: Số mã giảm giá nhiều gấp 1,3 lần số mã tăng. Tình trạng này không mới mà kéo dài khá lâu, đồng nghĩa với con sóng tăng hiện tại của các chỉ số chỉ đem lại lợi ích thấy rõ cho một số cổ phiếu mà thôi.

Thanh khoản hôm nay duy trì mức cao với gần 22.816 tỷ đồng, chỉ tăng 2,5% so với hôm qua. Dù vậy trên 22 ngàn tỷ vẫn là gần sát ngưỡng kỷ lục của giá trị khớp lệnh. Các nhóm hút tiền mạnh nhất là ngân hàng, thép tiếp tục là trụ cột của thanh khoản chứ không chỉ của điểm số. Hôm nay nhóm ngân hàng và thép chiếm gần một nửa tổng giá trị giao dịch hai sàn bao gồm cả thỏa thuận.

chứng khoán 19-5

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.006 tỷ đồng (+1%)

650,9 triệu (-2%)

2.810 tỷ đồng (+15%)

126,6 triệu (+6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam