Có thể xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu thế nâng hạng vào nửa cuối năm nay

18:26 | 18/05/2021 Print
Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được FTSE nâng hạng trong 2 kỳ đánh giá của năm 2022, kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ nửa cuối năm 2021.

Đây là nhận định của ông Khiếu Trọng Huy – Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khi trao đổi với phóng viên TBTCO về diễn biến giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

* PV: Thưa ông, khối ngoại liên tục bán ròng từ đầu năm tới nay. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến giao dịch của khối ngoại? Đâu là nguyên nhân khiến khối này bán ròng mạnh như vậy?

Có thể xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu thế nâng hạng vào nửa cuối năm nay
TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các động lực từ sự ổn định của kinh tế chính trị, tốc độ phát triển nhanh của các doanh nghiệp niêm yết, sự hấp dẫn về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và bên cạnh đó còn là triển vọng nâng hạng. Những điều này sớm thu hút khối ngoại trở lại mua ròng. Ông Khiếu Trọng Huy

- Ông Khiếu Trọng Huy: Tính đến hết ngày 14/5/2021, khối ngoại đã bán ròng trên cả 3 sàn, với tổng giá trị lên tới 20,9 nghìn tỷ đồng. Lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu trên sàn HOSE, với giá trị bán ròng trên sàn này là 20,6 nghìn tỷ đồng tính từ đầu năm. Nếu xét theo hình thức mua bán, khối ngoại đã bán ròng thông qua hình thức khớp lệnh 31,1 nghìn tỷ đồng, nhưng mua ròng theo hình thức thỏa thuận 10,5 nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian vừa qua có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng theo tôi, nguyên nhân đầu tiên có thể là khối ngoại thực hiện cơ cấu lại danh mục và thực hiện chốt lời sau khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá, vượt đỉnh. TTCK Việt Nam đã hồi phục và tăng trưởng rất tích cực từ đầu quý II/2020, hầu hết các cổ phiếu đều đã tăng giá mạnh và cao hơn nhiều so với thời điểm khi khối ngoại thực hiện mua ròng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không loại trừ việc khối ngoại bán ròng ở TTCK Việt Nam nằm trong xu hướng rút ròng vốn từ các TTCK mới nổi. Theo như số liệu thống kê, quan sát của chúng tôi thì không chỉ riêng tại thị trường Việt Nam, mà nhiều TTCK khác như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines… đều bị rút ròng mạnh, trong khi lượng vốn đổ thêm vào các thị trường phát triển lại gia tăng.

* PV: Trên thực tế, dù diễn biến giao dịch bán ròng, nhưng khối ngoại vẫn mua tốt qua kênh thỏa thuận. Điều này có nói lên điều gì không, thưa ông? Có phải là khối này đã rút ròng mạnh, hay chỉ mới bán ròng mạnh?

- Ông Khiếu Trọng Huy: Theo quan sát của chúng tôi, khối ngoại đã bán ròng mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nguồn vốn này có rút ra hẳn khỏi thị trường Việt Nam hay không thì chúng tôi chưa có căn cứ để xác thực điều này.

Còn đối với các giao dịch thỏa thuận, qua quan sát năm chúng tôi nhận thấy giá trị giao dịch không còn đột biến, lớn như 2 năm gần đây. Giá trị thỏa thuận mua vào của khối ngoại ở các chứng chỉ quỹ ETF cũng khá lớn, chiếm gần 50% giá trị mua ròng trên kênh thỏa thuận, điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với các quỹ ETF tại thị trường Việt Nam.

* PV: Một điểm đáng quan tâm khác là dòng tiền ngoại vẫn vào rất tốt qua kênh ETF, cũng như thị trường trái phiếu chính phủ. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về dòng tiền ngoại vào ETF và trái phiếu chính phủ?

- Ông Khiếu Trọng Huy: Dòng tiền vào các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam hiện vẫn đang rất tích cực, và xu hướng này theo tôi vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Với các quỹ ETFs niêm yết tại nước ngoài đã đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam một thời gian dài như VanEck Vectors Vietnam ETF, DB x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF hay Ishare, thì tổng dòng tiền thêm mới vào 3 quỹ này trong 5 tháng đầu năm là 242 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2021, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF mới được thành lập nhưng đã thu hút được số vốn đầu tư lên tới 7.800 tỷ đồng.

Đối với các quỹ ETFs niêm yết trong nước, đa phần các chứng chỉ quỹ này đều được khối ngoại mua ròng với giá trị lớn. Đứng đầu là VFMVN Diamond ETF với lượng mua ròng là 4.119 tỷ đồng. Xếp sau đó là SSIAM VNFIN LEAD và VFMVN30 với giá trị mua ròng lần lượt 750 tỷ đồng và 525 tỷ đồng.

Về kênh trái phiếu chính phủ, lũy kế từ đầu năm tới hết 2 tuần đầu tiên của tháng 5 (tới ngày 14/5/2021), khối ngoại mua ròng tổng cộng 5.540 tỷ đồng thông qua kênh đầu tư này. Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, bao gồm 14 nghìn tỷ đồng bán ra và 20 nghìn tỷ đồng mua vào, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn dưới 15 năm. Lượng mua ròng của khối ngoại trong năm 2021 vẫn nằm trong xu hướng mua ròng trái phiếu trong hơn 2 năm trở lại đây.

chứng khoán
Diễn biến bán ròng của khối ngoại không còn tác động nhiều tới dòng tiền nội trên TTCK như trước đây. Ảnh: Duy Dũng.

* PV: Dù để khối ngoại đảo chiều mua ròng rõ ràng cần thêm thời gian, nhưng ông đánh giá thế nào về khả năng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại?

- Ông Khiếu Trọng Huy: Mặc dù hiện nay khối ngoại vẫn đang duy trì xu hướng bán ròng mạnh nhưng về tầm nhìn dài hạn, chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các động lực từ sự ổn định của kinh tế chính trị, tốc độ phát triển nhanh của các doanh nghiệp niêm yết, sự hấp dẫn về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và bên cạnh đó còn là triển vọng nâng hạng. Những điều này sớm thu hút khối ngoại trở lại mua ròng.

* PV: Theo ông, đâu là yếu tố có thể Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay?

- Ông Khiếu Trọng Huy: TTCK Việt Nam hồi phục và tăng trưởng tích cực từ quý II năm 2020 là do Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và các cơ quan quản lý cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho một sự hồi phục và bứt phá nhanh chóng của các doanh nghiệp và TTCK. Đây cũng là điểm hấp dẫn lớn nhất của TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE. Với việc các cơ quan quản lý đang tích cực cải thiện và nâng cấp hệ thống giao dịch cũng như một loạt các điều luật chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 thì chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 tại kỳ đánh giá nâng hạng năm 2022.

Theo ước tính của chúng tôi, trong trường hợp Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2, TTCK Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ tracking theo hoặc benchmarking theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-World và FTSE Emerging Markets. Thêm vào đó, việc được nâng hạng là một tín hiệu khá là tích cực về sự cải thiện chất lượng thị trường, nên quỹ hiện đang tracking theo các chỉ số chỉ riêng về Việt Nam như FTSE Vietnam Index hoặc FTSE Vietnam 30 Index cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm được dòng tiền lớn.

Từ thực tiễn quan sát diễn biến thị trường quốc tế trong quá khứ, thông thường trong khoảng ít nhất 9 tháng TTCK 1 quốc gia được FTSE công bố chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK quốc gia đó thường sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đóng đầu xu hướng nâng hạng, và các chỉ số thường có đà tăng điểm là ấn tượng.

Với kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể sẽ được FTSE nâng hạng trong 2 kỳ đánh của năm 2022, chúng tôi kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào TTCK Việt Nam từ nửa cuối năm 2021.

Dựa theo bộ tiêu chí của FTSE đưa ra, nhiều khả năng các mã được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này sẽ là các mã có vốn hoá lớn, thoả mãn các điều kiện về thanh khoản, room ngoại và free-float (tỷ lệ chuyển nhượng tự do) mà FTSE như: VIC, VNM, VHM, HPG, VCB, MSN, VRE…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam