Mất trụ, VN-Index giảm tiếp phiên thứ hai liên tục

16:48 | 18/05/2021 Print
Thị trường đã lặp lại diễn biến tăng trước giảm sau trong ngày hôm nay nhưng cường độ có phần nhẹ hơn. Đó là nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn tăng mạnh, đặc biệt là nhóm thép và ngân hàng.

CKMSN gây bất ngờ

Dù đóng rất ít vai trò trong việc nâng đỡ chỉ số, nhưng MSN là cổ phiếu gây bất ngờ nhất. Thông tin phát hành thêm vốn công ty con cho đối tác ngoại đã thổi bùng lên một đợt tăng rất sớm và rất mạnh ngay đầu phiên. MSN trong chừng hơn 1 tiếng tăng vọt 5,57% so với tham chiếu.

Điều bất ngờ chính là việc nhà đầu tư không quá hào hứng với thông tin hỗ trợ cũng như diễn biến tăng giá nói trên. MSN xuất hiện lực chốt lời khá lớn, ép dần giá tuột dốc. Càng về cuối phiên cổ phiếu này càng lao dốc nhanh. Đóng cửa MSN chỉ còn tăng 0,86% so với tham chiếu. Như vậy nếu đuổi giá tại đỉnh, nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ luôn 4,45% trong phiên này.

Vì sao MSN lại phản ứng ngược như vậy? Yếu tố cung cầu là lời lý giải hợp lý nhất. MSN đã có một nhịp đầu cơ từ rất lớn trong nửa đầu tháng 4. Khi đó không ai biết tại sao cổ phiếu này lại tăng vọt lên đỉnh lịch sử như vậy. Thanh khoản của MSN cũng đạt mức cao kỷ lục tính theo giá trị, ngày 14/4 và 19/4. Nửa sau tháng 4 và vài phiên đầu tháng 5 này MSN điều chỉnh giảm. Cho đến tuần trước, MSN lại tăng vọt 13,8% chỉ sau 4 phiên.

Thông tin được công bố chính thức hôm nay chỉ là bước đi cuối cùng đối với những nhà đầu cơ giao dịch MSN. Nếu nói thông tin ký kết hợp tác là bí mật không ai biết sẽ là điều ảo tưởng. Loại thông tin này thường xuyên được tận dụng để đầu cơ cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư bình thường, việc công bố thông tin có thể là mới và hấp dẫn, nhưng họ là những người biết muộn nhất và mua vào chậm nhất.

Việc MSN đảo chiều suy yếu đáng kể không phải là lý do khiến VN-Index trượt dốc về cuối và đóng cửa dưới tham chiếu. Có khá nhiều cổ phiếu blue-chips lớn cũng trượt dốc giống MSN thậm chí ở cấp độ nặng hơn, đảo chiều hẳn sang phía giảm.

VIC là mã có tác động mạnh nhất lên VN-Index phiên này. Đầu phiên VIC bật tăng 1,61% khoảng 10h10. Sau đó VIC bị xả ồ ạt và giá cắm đầu lao xuống. Đến cuối phiên VIC đã giảm tới 2,42% so với tham chiếu. Trải qua 19 phiên lao dốc, VIC bốc hơi gần 16% giá trị.

Nếu tính riêng biến động trong phiên, VIC sụt giảm khoảng 4%. Khá nhiều cổ phiếu khác cũng biến động mạnh theo cách tương tự. Chẳng hạn VHM trượt giảm hơn 3% trong phiên và đóng cửa dưới tham chiếu 1,88%. HDB trượt giảm 1,92%, đóng cửa dưới tham chiếu 1,77%. VRE trượt giảm 3,5%, chốt dưới tham chiếu 2,28%...

Thanh khoản giảm nhẹ

VN30-Index là chỉ số duy nhất đóng cửa còn tăng trong phiên hôm nay, trên tham chiếu 0,53%. Tuy thế nhóm này cung có số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng. Điều duy nhất có khả năng tạo mức tăng ở chỉ số là vốn hóa của nhóm tăng tương đối lớn.

HPG tăng 2,42%, NVL tăng 2,98%, VPB tăng 2,13%, STB tăng 5,2%, TCB tăng 1,04% là 5 cổ phiếu có ảnh hưởng tốt nhất lên VN30-Index. Không phải mã nào trong số này cũng đủ lớn đối với VN-Index.

Điều khá tích cực là nhóm tăng giá vẫn thu hút được dòng tiền rất lớn. Cụ thể, 3 mã giao dịch lớn nhất thị trường (cũng là lớn nhất VN30) là HPG, VPB và STB đạt gần 5.673 tỷ đồng, chiếm tới 47% cả rổ và chiếm xấp xỉ 29% giá trị khớp cả sàn HSX. Tiền nhiều và giá tăng là một sự kết hợp tích cực.

Tuy vậy đó chỉ là tích cực riêng cho các cổ phiếu nói trên. Thanh khoản càng cao ở một vài cổ phiếu càng bất lợi đối với cục diện chung. Chẳng hạn tổng giá trị khớp lệnh của VN30 hôm nay giảm 3% so với hôm qua, bất chấp giao dịch cực lớn ở 3 mã vừa kể. Điều đó có nghĩa là 27 cổ phiếu còn lại phải suy giảm thanh khoản.

Thị trường chung cũng vậy, nhóm 5 mã thanh khoản cao nhất 2 sàn tiếp tục chiếm 33% giá trị, trong khi giao dịch chung lại giảm 5,4% so với phiên trước. Dòng tiền vẫn đang rất tập trung vào 2 nhóm cổ phiếu thời thượng là thép và ngân hàng. HPG giao dịch lớn nhất thị trường với 2.477 tỷ đồng. VPB, STB, CTG, TCB, MBB là các mã thanh khoản cao kế tiếp và đều là cổ phiếu ngân hàng.

Trong khi đó khối ngoại có một ngày giảm nhiệt, chỉ còn xả ròng 656,8 tỷ đồng. VPB, VIC, VNM, PLX, VCB, KBC, GAS, BID, NVL là các mã bị bán ròng lớn nhất. Khối tự doanh cũng bán ròng 279 tỷ đồng, tập trung vào HPG, VIC, TCB, VNM.

chứng khoán 18-5

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

19.815 tỷ đồng (-5%)

661,2 triệu (-6%)

2.435 tỷ đồng (-11%)

119 triệu (-8%)


Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam