Sau khi cắt mảng điện thoại, tivi, năm 2021, Vingroup chú trọng những trụ cột gì?

17:39 | 16/05/2021 Print
Trong năm 2021, Tập đoàn Vingroup đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại dịch vụ, tạo thế “kiềng ba chân” vững chãi.

Đây là thông tin được Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã Ck: VIC) cho biết trong Tờ trình Đại hội cổ đông thường niên 2021 về kết quả kinh doanh năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Theo đó, năm 2021, Vingroup duy trì mô hình P&L (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Profit and Loss Statement/P&L) tại các công ty con, nhấn mạnh yêu cầu về hiệu quả và minh bạch và tiếp tục thúc đẩy triển khai nguyên tắc “5 hóa” nhằm xây dựng bộ máy quản trị tinh gọn, đa năng và linh hoạt.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, Vingroup sẽ đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, đặt mục tiêu luôn đưa ra sản phẩm hấp dẫn và chất lượng nhất cho người tiêu dùng, qua đó đa dạng hóa các nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái; áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới; mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.

Theo đó, trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VF e34, VF35 và VF36. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế.

Vinfast
Xe ô tô VinFast điện VFe34 dự kiến sẽ ra thị trường trong năm nay.

Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT (internet kết nối vạn vật) và tính năng thông tin – giải trí – dịch vụ (infotainment) cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.

Trong năm 2021, Vingroup tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển Tập đoàn theo hướng công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ. Bên cạnh các chương trình nghiên cứu công nghệ dài hạn, Vingroup đẩy mạnh ứng dụng các thành quả này vào các sản phẩm phục vụ thị trường.

Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, hỗ trợ người mua nhà.

Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2, giữ vững vi ̣thế số 1 về số lượng trung tâm thương mại, thị phần và chất lượng.

Trong lĩnh vực du lịch - vui chơi giải trí, Vinpearl duy trì và phát triển thị trường nội địa trên đà phát triển của năm 2020 với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp, đồng thời phát triển, mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài thông qua việc triển khai hoạt động marketing, truyền thông mạnh mẽ để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.

Với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, Hội đồng quản trị Vingroup trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là khoảng 170.000 tỷ đồng; và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là khoảng 4.500 tỷ đồng.

Cũng theo tờ trình này, năm 2020, doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.490 tỷ đồng, giảm 19.546 tỷ đồng (tương đương 15%) so với năm 2019, chủ yếu do trong năm 2020, Tập đoàn không còn doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Lợi nhuận sau thuế của Vingroup giảm 41% từ 7.717 tỷ đồng năm 2019 xuống 4.546 tỷ đồng năm 2020.

Tổng số thuế phải nộp trong năm 2020 (không bao gồm tiền sử dụng đất, thuê đất) của Vingroup là 21.214 tỷ đồng, lớn hơn con số 19.286 tỷ đồng của năm 2019./.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam