Dòng tiền nội thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán

17:58 | 12/05/2021 Print
Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng không đáng lo ngại bởi hiện tại, 90 - 95% giá trị thanh khoản của thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu tập trung từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh vấn đề này.

* PV: Thị trường chứng khoán vừa có những phiên tăng điểm khá ấn tượng với thanh khoản cao, ông đánh giá như thế nào về diễn biến thị trường trong những phiên giao dịch gần đây?

Thị trường vẫn được hỗ trợ bởi những thông tin như sự hồi phục của nền kinh tế, lãi suất thấp, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, định giá của Vn-Index vẫn ở mức thấp và còn hấp dẫn. Tôi cho rằng những yếu tố này sẽ là động lực để thị trường tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn

minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh: Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài cộng với những thông tin về dịch Covid bùng phát trở lại đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng, cũng như ngành thép đã nhanh chóng quay trở lại dẫn dắt đà tăng của thị trường.

Ngành thép tiếp tục có thông tin hỗ trợ khi giá thép tăng nhanh ở mức cao, bên cạnh đó hoạt động xây dựng của các nước phát triển như Trung Quốc, Mỹ tiếp tục khởi động lại khiến cho nhu cầu thép tăng mạnh. Hai nhóm này đã dẫn dắt thị trường từ cuối tuần trước và bây giờ xu hướng này vẫn còn tiếp diễn, do đó diễn biến thị trường có xu hướng tích cực hơn.

Bên cạnh đó, một dấu hiệu tích cực khác là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng trở lại, song, độ rộng của thị trường lại không có chiều hướng tốt. Thông thường những phiên tăng điểm mạnh, thanh khoản tăng cao, độ rộng của thị trường rất tốt, nghĩa là số lượng mã tăng sẽ cao hơn nhiều so với số mã giảm. Tuy nhiên, gần đây chúng ta thấy dòng tiền không lan tỏa ở nhiều nhóm cổ phiếu mà tập trung vào một số nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Trong đó, thép và ngân hàng là hai nhóm cổ phiếu hút được dòng tiền tốt. Bên cạnh đó nhóm chứng khoán cũng đã có sự thu hút dòng tiền.

* PV: Theo số liệu mới công bố, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tiếp tục tăng cao. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước?

Ông Nguyễn Thế Minh: Dòng tiền nhà đầu tư trong nước đến nay vẫn mạnh. Minh chứng rằng, trong tháng 4 vừa qua và đặc biệt là những phiên giao dịch đầu tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại bán ròng mạnh. Tuy nhiên trạng thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng không đáng lo ngại bởi hiện tại 90 - 95% giá trị thanh khoản của thị trường vẫn chủ yếu tập trung ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới ở mức cao vẫn là một trong những yếu tố giúp cho thị trường tăng trưởng. Mặc dù số liệu cho thấy tài khoản mở mới tháng 4 có giảm so với tháng 3, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Điều này cũng phản ánh rằng đầu tư chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn khi tiền vẫn không thể đổ vào các kênh khác như tiết kiệm (lãi suất có tăng nhưng tăng ở mức thấp). Bên cạnh đó, ở thị trường bất động sản, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang có động thái để hạn chế đầu cơ vào thị trường nên đã khiến dòng tiền đầu cơ lướt sóng không mặn mà vào thị trường này. Do đó, họ lại tìm đến kênh chứng khoán.

* PV: Ngoài yếu tố dịch bệnh, nhà đầu tư còn lo ngại về hiệu ứng “Sell in May and go away” (Bán tháng Năm và đi chơi). Ông có nhận xét gì về điều này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Hiệu ứng này trên thị trường chứng khoán thế giới có xảy ra, nhưng ở Việt Nam chưa có thống kê về hiệu ứng này. Tuy nhiên, "Sell in May" cũng phần nào kiến cho những nhà đầu tư có kinh nghiệm chùn tay trong tháng 5, do đó cũng phản ánh vào những phiên cuối tháng 4 khi thanh khoản có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, diễn biến thị trường cho thấy không quá lo ngại về chiều hướng này.

Trong những năm trước, hiệu ứng Sell in May thường sẽ thể hiện từ động thái của nhà đầu tư nước ngoài trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra khiến nhà đầu tư trong nước lo ngại. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, thị trường chủ yếu nhờ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước, do đó những tuần đầu tháng 5 dù nhà đầu tư nước ngoài có bán ròng mạnh nhưng thị trường cũng không chịu ảnh hưởng quá nhiều.

Cũng cần lưu ý, thép và ngân hàng là hai dòng dẫn dắt đà tăng của thị trường, tuy nhiên dòng thép phụ thuộc vào giá thép tăng nhưng tới hiện tại, định giá của các cổ phiếu thép tương đối cao và dư địa tăng của dòng thép không còn nhiều. Do đó, rủi ro ngắn hạn trong nhóm ngành này đang có chiều hướng tăng lên, áp lực điều chỉnh của nhóm này sẽ tăng cao trong thời gian tới và có thể ảnh hưởng tới thị trường trong tháng 5.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến thị trường trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong tháng 5, tôi nghiêng về kịch bản điều chỉnh của thị trường, nhiều khả năng chỉ số VN-index sẽ kiểm định lại vùng 1.180 đến 1.200 điểm. Rủi ro đến từ nhóm ngành thép, do dư địa tăng của nhóm này không còn nhiều và có thể bước vào chu kỳ điều chỉnh. Khi nhóm này điều chỉnh sẽ khiến thị trường thiếu đi một nhóm làm động lực chính cho sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, những yếu tố khác như diễn biến phức tạp của dịch Covid và áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài là những yếu tố khiến thị trường gặp khó trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi những thông tin như sự hồi phục của nền kinh tế, lãi suất thấp. Bên cạnh đó dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang “chảy” vào thị trường. Ngoài ra, xét về mức định giá thì định giá của Vn-Index 16.7x vẫn ở mức thấp và còn hấp dẫn. Tôi cho rằng những yếu tố này sẽ là động lực để thị trường tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam