SSI Research: Chiến lược đầu tư cần bám sát diễn biến thị trường

18:18 | 09/05/2021 Print
Thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy có nhiều động lực để duy trì xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, với bối cảnh thông tin ít dần, Covid-19 tái bùng phát và giá hàng hóa đang ở mức cao tạo sức ép lên lạm phát, khiến thị trường tháng 5 đối diện với nhiều rủi ro hơn.

Nội lực của thị trường đã được thể hiện

Báo các Chiến lược thị trường tháng 5/2021 của SSI Research đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thể hiện được nội lực trong tháng 4/2021. Thị trường diễn biến khá sát với dự đoán khi VN-Index vận động hoàn toàn trên nền giá cao mới trong suốt tháng, dù có những nhịp thoái lui trước tác động từ các yếu tố rủi ro kỹ thuật.

Các chuyên gia của SSI Research cũng cho rằng, thanh khoản tăng vọt, thiết lập mức cao mới trong tháng 4. Theo đó, nhờ giao dịch sôi động trở lại ở nhóm vốn hóa lớn, giá trị giao dịch trên toàn thị trường tăng 15,6% so với tháng trước, đạt bình quân 22.450 tỷ đồng/phiên. Giao dịch sôi động hơn qua kênh khớp lệnh khi giá trị qua kênh này tăng đến 18,7% đạt 20.544 tỷ đồng/phiên.

“Các giải pháp cải tiến kỹ thuật trên HOSE phát huy hiệu quả đã thúc đầy tăng trưởng trên sàn này ở mức cao hơn mặt bằng chung. Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đã tăng 21,5% lên 16.768 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 và 14.801 tỷ đồng/phiên nếu tính từ đầu năm. Giá trị giao dịch bình quân 4 tháng đầu năm 2021 hiện ở cao gần gấp 3 lần mức bình quân trong năm 2020” – SSI Research cho biết thêm.

chứng khoán tháng 5

Cùng với đó, tháng 4 ghi nhận mùa cao điểm kết quả kinh doanh quý I/2021 với 2 nhóm ngành nổi bật là dịch vụ tài chính và tài nguyên cơ bản đã cho thấy sức bật rất tốt và tiếp tục triển vọng lạc quan trong quý tới.

Mùa đại hội cổ đông 2021 vừa qua cho thấy xu hướng tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết, thể hiện khá rõ ở 2 nhóm có vốn hóa lớn nhất là ngành ngân hàng và bất động sản. Theo thống kê của SSI Research, 14 trong số 15 ngân hàng niêm yết có kế hoạch tăng vốn năm 2021 trong đó có 7 ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành mới. Kế hoạch tăng vốn cũng khá rõ ở nhóm bất động sản (thông qua cả phát hành cổ phiếu và trái phiếu) và ở nhóm công ty chứng khoán. “Đây có thể là những động thái giúp hỗ trợ cho thị trường từ nay tới cuối năm” – chuyên gia SSI Research nhận định.

Lạc quan nhưng thận trọng

Trong bối cảnh lượng thông tin từ mùa kết quả kinh doanh quý I/2021 đang ít dần đi và rủi ro tái bùng phát Covid-19 đang hiện hữu, SSI Research cho rằng, thị trường trong tháng 5 sẽ đối mặt hơn với nhiều rủi ro hơn. Làn sóng Covid thứ 4 cũng đang nhen nhóm ở một số địa phương cần phải theo dõi sát sao, khả năng chống chịu của Việt Nam một lần nữa được thử thách.

Đối với rủi ro lạm phát, trong bối cảnh chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng +4,64% trong 4 tháng đầu năm và tại thời điểm quý II/2021 giá xăng dầu dự kiến có mức tăng trên 50% so với cùng kỳ 2020, SSI Research cho rằng, CPI sẽ quay trở lại mức tăng trưởng dương theo tháng trong tháng 5. Tuy nhiên, mức độ tăng dự đoán không cao do tỷ trọng của giá dầu trong rổ CPI hiện tại chỉ ở mức 3,6 - 4,1%, đồng thời, doanh nghiệp hiện khó có khả năng tăng giá đầu ra tương ứng với giá đầu vào, chưa kể đến tác động từ các chính sách bình ổn giá của Chính phủ.

SSI
Lạc quan nhưng thận trọng, chiến lược đầu tư cần bám sát diễn biến thị trường.

Trước những rủi ro đang đối mặt trong tháng 5, các chuyên gia của SSI Research nhận thấy sự cần thiết của việc quản lý rủi ro bằng 2 kịch bản khuyến nghị đầu tư cho các giao dịch ngắn hạn.

Theo đó, trong kịch bản 1 (được SSI Research đánh giá cao) là chỉ số VN-Index giữ được đà tăng: Nhà đầu tư nên tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng hiện tại là 1.260 - 1.262 điểm, đi cùng với sự gia tăng về thanh khoản. Tỷ trọng cổ phiếu được nâng lên cao hơn nữa khi chỉ số xác nhận vượt đỉnh cũ 1.286 điểm thành công. Lúc này, chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại vùng 1.350 - 1.400 điểm.

Với kịch bản 2 là chỉ số VN-Index đảo chiều trở lại trước các nhân tố rủi ro tiềm ẩn. Nhà đầu tư cần chờ đợi phản ứng của thị trường tại các vùng hỗ trợ. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index là 1.220 điểm và vùng hỗ trợ mạnh là 1.200 điểm. Hoạt động giải ngân có thể được xem xét tại các mức hỗ trợ này, đặc biệt khi chỉ số hồi phục trở lại với nền thanh khoản cao./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam