Phái sinh: Hợp đồng tương lai giằng co và phân hóa nhẹ khi đóng cửa

09:27 | 07/05/2021 Print
Các hợp đồng tương lai phân hóa nhẹ khi đóng cửa phiên. Tuy nhiên, mức độ phân hóa không quá lớn và không tạo khoảng cách với chỉ số VN30, nên khoảng cách chênh lệch âm vẫn duy trì. Điểm đáng tích cực là thanh khoản vẫn duy trì tăng tốt.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai diễn biến giằng co và phân hóa trong phiên 06/5; tuy nhiên, biên độ về mặt điểm số không lớn khi kết phiên. Đóng cửa có 1 hợp đồng tăng nhẹ, còn 3 hợp đồng giảm ở mức khá; trong khi đó, chỉ số VN30 giảm nhẹ -2,25 điểm.

phái sinh

Hợp đồng tháng hiện tại VN30F2105 rung lắc mạnh quanh tham chiếu, kết phiên tăng nhẹ +0,6 điểm; đồng thời ghi nhận khoảng cách chênh lệch -8,1 điểm so với cơ sở. Các hợp đồng còn lại đều giảm điểm với biên độ cao hơn VN30 khiến mức chênh lệch âm đạt nới rộng lên từ -24,6 điểm đến -16,1 điểm. Khoảng cách chênh lệch âm tiếp tục cho thấy sự thận trọng của một bộ phận nhà giao dịch về thị trường trong thời gian tới.

phái sinh

Trong khi đó, thanh khoản của thị trường phái sinh cải thiện tốt, trong bối cảnh thị trường phái sinh rung lắc mạnh và thị trường cơ sở diễn biến chậm lại. Theo đó, khối lượng giao dịch các hợp đồng tương lai tăng 12,9% so với phiên trước, đạt 253.917 hợp đồng. Giá trị giao dịch cũng tăng lên mức cao, đạt 33.925 tỷ đồng. Khối lượng mở duy trì đà tăng nhẹ, đạt 33.573 hợp đồng.

Trên thị trường cơ sở, chỉ số VN-Index và VN30 dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong cả phiên sáng. Cung giá thấp mạnh hơn từ đầu phiên chiều khiến 2 chỉ số chịu áp lực hơn và đóng cửa giảm nhẹ. Chỉ số VN-Index giảm 0,47%; trong khi chỉ số VN30 giảm nhẹ hơn chỉ 0,17% nhờ tỷ trọng đóng góp lớn hơn từ 2 cổ phiếu TCB và VPB.

Nhìn chung, diễn biến Covid-19 trong nước đang phức tạp hơn khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại sau phiên giao dịch phấn khởi hôm qua. Số mã giảm trên toàn thị trường và ở từng nhóm cổ phiếu riêng lẻ vẫn chiếm ưu thế, tuy nhiên hầu như không xuất hiện trường hợp nào giảm quá sâu.

Thanh khoản thị trường không quá biến động. Dù vậy, có sự đột biến giao dịch lại ở nhóm cổ phiếu đầu cơ như ROS, FLC, KLF, AMD. Trong khi đó, khối lượng giao dịch suy giảm ở các cổ phiếu ngân hàng như STB, CTG và TCB; riêng VPB lại có giao dịch tăng đáng kể. Tính chung, giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh ghi nhận ở mức 17.825 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với phiên trước.

Riêng với khối nhà đầu tư nước ngoài, khối này đẩy mạnh giá trị bán ròng lên -1.103 tỷ đồng và đây là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp.

phái sinh

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, chỉ số VN30 đã điều chỉnh nhẹ về gần vùng hỗ trợ 1.332 điểm trong phiên nhưng lực mua từ gần vùng hỗ trợ này đã giúp chỉ số hồi phục trở lại cho thấy xu hướng tăng vẫn đang duy trì tốt. Do vậy, nhiều khả năng chỉ số VN30 sẽ tiếp tục đi lên và hướng đến vùng giá mục tiêu nằm tại 1.350 – 1.400 điểm./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam