VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp, ngân hàng vẫn dẫn sóng

16:23 | 05/05/2021 Print
Diễn biến tăng bất ngờ vẫn tiếp diễn bất chấp các đợt chốt lời T3 nhiều hơn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền cực mạnh và tăng rất khỏe, kéo theo VN-Index tăng liên tục.

CKHDB bùng nổ

Nhóm ngân hàng đang gây bất ngờ lớn khi giá tăng mạnh liên tục và khá đồng đều. Nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh năm 2021. Đặc biệt hơn là thanh khoản ở nhóm này cực cao, thậm chí hút phần lớn lượng tiền trên thị trường.

Hôm nay đến lượt HDB gây bất ngờ bằng mức tăng giá kịch trần trong phiên. Cổ phiếu này lên ngưỡng 29.100 đồng khoảng 2h chiều và cũng là ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4/2018. Những phút cuối phiên HDB bị xả nhiều, giá tụt xuống một chút nhưng cũng chỉ lùi 1 bước giá so với mức tối đa và chốt tăng 6,8%. HDB cũng lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản khi chuyển nhượng gần 17,4 triệu cổ tương đương 495 tỷ đồng.

Tuy mức thanh khoản của HDB là kỷ lục với mã này, nhưng so với các cổ phiếu ngân hàng khác thì còn kém xa. Dòng tiền đang dồn vào nhóm ngân hàng như một địa chỉ duy nhất an toàn. Từ hôm qua đã có 4 cổ phiếu giao dịch vượt mốc 1.000 tỷ đồng là VPB, TCB, STB và CTG. Hôm nay CTG không còn dư sức thanh khoản như trước, nhưng VPB, TCB và STB vẫn giao dịch cực lớn trên ngưỡng ngàn tỷ đồng.

Thực ra dòng tiền vào các mã ngân hàng dẫn dắt này cũng có giảm nhẹ. Ví dụ VPB hôm qua khớp lệnh 1.430,6 tỷ đồng, hôm nay còn 1.319,4 tỷ đồng. Giá trị giao dịch giảm gần 8%, khối lượng giảm 11,6%. TCB, STB cũng giảm thanh khoản. Có lẽ dòng tiền vào đã co lại một chút vì giá các mã này cũng tăng rất cao: TCB hôm nay tăng 5,88%, VPB tăng 1,85% và STB tăng 2,49%.

Không chỉ đóng góp lớn vào thanh khoản chung của thị trường, các mã ngân hàng còn là nòng cốt tạo điểm số cho VN-Index. VCB tăng 2,12%, TCB, HDB, VPB, BID là các mã đẩy chỉ số mạnh nhất. Đây là động lực quan trọng vì ngoài các mã ngân hàng, không còn trụ lớn nào thật sự mạnh. Chẳng hạn VIC, VNM, VHM đều tăng quá yếu.

Điểm tích cực hôm nay là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của biến động tại các mã ngân hàng. Hôm qua chỉ số hầu như chỉ do nhóm ngân hàng kéo lên, rất nhiều mã giảm giá, áp đảo số tăng. Hôm nay ngược lại, số cổ phiếu tăng giá gấp 3 lần số giảm giá. Cổ phiếu tăng kịch trần cũng khá nhiều, đa số là các mã nhỏ như ROS, VOS, AMD, TNI, HAP...

Dấu hiệu chốt lời

Đà tăng giá rất nhanh tất yếu kích thích nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời. Thực ra dù VN-Index ghi nhận 5 phiên tăng liên tục nhưng số đạt lợi nhuận cao không nhiều. Cổ phiếu ngân hàng, không có gì bất ngờ, nằm trong nhóm tăng giá tốt nhất.

TCB trong 5 phiên tăng hơn 16,3% và kể cả khi giá vượt đỉnh 2021 thì vẫn có nhà đầu tư chốt lời. Hôm nay TCB về cuối phiên tụt xuống gần 1% so với giá đỉnh. VPB trong 5 phiên cũng tăng gần 14% và hôm nay bị xả cuối ngày, giá tụt xuống 1,6%.

Nhóm ngân hàng mạnh nhất thị trường hôm nay thì cũng phản ánh rõ nét nhất áp lực chốt lời khiến giá thoái lui. CTG tụt dần về cuối phiên và trả lại khoảng 2,4% mức tăng. MBB trả lại khoảng 2,2%, VCB trả lại 0,78%, BID trả lại 1,1%, STB trả lại 1,6%...

Thị trường có thanh khoản nghĩa là luôn có mua có bán thành công. Bên bán là những người muốn chốt lời. Do đó thanh khoản cũng đồng nghĩa với sự gia tăng gánh nặng ở chiều giá tăng. Nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng đột biến trong 2 phiên vừa qua trong khi thanh khoản ở các cổ phiếu khác không có gì nổi bật, thậm chí là giảm đi. Điều này đồng nghĩa với hoạt động tái cơ cấu danh mục, dồn vào các cổ phiếu có khả năng sinh lời nhanh nhất và lúc này là các mã ngân hàng.

Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài vẫn không có vẻ gì là thay đổi chiến lược. Hôm nay khối này có mua ròng VPB, STB và VCB khá tốt, nhưng cũng bán ra CTG, MSB, VRE, VNM, VCI và đặc biệt là HPG. HPG bị bán ròng hơn 190 tỷ đồng trong một ngày giá giảm 0,84%. Cũng cần nhấn mạnh là HPG đã vượt đỉnh từ lâu và đang trong xu hướng tăng giá rất mạnh.

chứng khoán 5-5

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

19.018 tỷ đồng (+1%)

685,4 triệu (-4%)

2.349 tỷ đồng (+29%)

115 triệu (+14%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam