IPO quốc tế - Vì sao SPAC là lựa chọn tối ưu nhất ở hiện tại?

01:11 | 22/04/2021 Print
SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) là một cách tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp/công nghệ vì quy mô vừa phải, tiết kiệm thời gian. Hiện tại, khó tìm được cách nào tốt hơn nếu doanh nghiệp muốn rút ngắn thời gian và giảm các các thủ tục bắt buộc khi IPO/niêm yết trên sàn ngoại.

Xung quanh vấn đề một vài doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu IPO hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang nhận được sự quan tâm của dư luận, phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research).

* PV: Thưa ông, trên thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây xuất hiện một số thông tin về việc doanh nghiệp Việt có kế hoạch IPO hoặc niêm yết ở các TTCK quốc tế. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu này của doanh nghiệp?

IPO quốc tế - Vì sao SPAC là lựa chọn tối ưu nhất ở hiện tại?
Quy định về IPO/niêm yết tại thị trường nước ngoài là khá rõ ràng và minh bạch. Về phía Việt Nam thì khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp được niêm yết tại nước ngoài là cũng đã có. Khó khăn có thể là về sự khác biệt về hệ thống kế toán, tài chính giữa Việt Nam và các thị trường phát triển, nhưng điều này cũng hoàn toàn có thể giải quyết được. Ông Phạm Lưu Hưng

- Ông Phạm Lưu Hưng: Theo tôi, việc lựa chọn địa điểm niêm yết/IPO tại Việt Nam hay tại nước ngoài là phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp. Trong đó, có thể nói trong một số trường hợp thì việc IPO/niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế sẽ mang lại một mức định giá tốt hơn, với quy mô thương vụ cao hơn, nếu công ty niêm yết đáp ứng được các điều kiện niêm yết/giao dịch và hoạt động trong các ngành/lĩnh vực được các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường trong nước còn một số hạn chế, Việt Nam đang trong quá trình tiến tới nâng hạng lên thị trường mới nổi, việc triển khai các sản phẩm dịch vụ mới theo Luật Chứng khoán còn có độ trễ,... thì nhu cầu niêm yết/IPO tại thị trường quốc tế lại trở nên hấp dẫn và cấp bách hơn đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

* PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng các doanh nghiệp có thể IPO được hay niêm yết được trên thị trường quốc tế về tính pháp lý (của cả Việt Nam và nước sở tại), cũng như năng lực thực sự của các doanh nghiệp Việt?

- Ông Phạm Lưu Hưng: Quy định về IPO/niêm yết tại thị trường nước ngoài là khá rõ ràng và minh bạch. Ngoài ra, về phía Việt Nam thì khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp được niêm yết tại nước ngoài là cũng đã có.

Khó khăn có thể là sự khác biệt về hệ thống kế toán, tài chính giữa Việt Nam và các thị trường phát triển, nhưng điều này cũng hoàn toàn có thể giải quyết được, vì ngay trong thị trường Việt Nam đã có rất nhiều các nhà tư vấn trong và ngoài nước có kinh nghiệm về vấn đề này.

Còn về câu chuyện năng lực thực sự của các doanh nghiệp có đủ điều kiện để niêm yết thành công thì tôi cho rằng là có, vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn và câu chuyện tăng trưởng khá hấp dẫn.

Quy mô SPAC

* PV: Tại sao nhiều doanh nghiệp chọn con đường SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt - Special Purpose Acquisition Company)? Ngoài cách này, thì doanh nghiệp Việt có cách nào tối ưu nữa hay không, thưa ông?

- Ông Phạm Lưu Hưng: SPAC là một cách tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp/công nghệ vì quy mô vừa phải, tiết kiệm thời gian, và đặc biệt là thị trường này vẫn đang khá nóng, với rất nhiều SPAC hiện chưa tìm được đối tượng để đầu tư.

Theo tôi, ngoài cách này ra, có lẽ cũng khó còn cách nào tốt hơn, ví dụ như thực hiện IPO theo cách truyền thống, do cách này chỉ tối ưu nếu quy mô doanh nghiệp đủ lớn và được biết đến nhiều tại thị trường nước ngoài (một điều mà ngay cả GRAB cũng không chọn, dù quy mô thương vụ có thể lên tới 40 tỷ USD và hoạt động ở nhiều quốc gia, nhưng cũng không được biết đến nhiều tại Mỹ bằng Uber – công ty đã thực hiện IPO theo cách truyền thống).

* PV: Trên thực tế, Việt Nam cũng đã từng có doanh nghiệp niêm yết được trên thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng kỳ thực đến nay chưa cho nhiều kết quả. Theo ông, vì sao lại như vậy?

- Ông Phạm Lưu Hưng: Thật ra trước đây Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp niêm yết thành công trên thị trường Mỹ nhưng sau đó bị hủy niêm yết. Đó là một doanh nghiệp nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh kém và cũng không phải ngành nghề hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài.

Thời điểm niêm yết của doanh nghiệp đó cũng không thuận lợi và nếu không có mục tiêu rõ ràng về việc niêm yết, thì nhiều khi chi phí tuân thủ còn cao hơn các lợi ích khác.

* PV: Trong trường hợp IPO và niêm yết thành công trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra lợi ích gì cho các doanh nghiệp và thị trường trong nước, thưa ông?

- Ông Phạm Lưu Hưng: Khi các doanh nghiệp được niêm yết thành công trên thị trường nước ngoài sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường quốc tế; từ đó sẽ mang lại những lợi ích về mặt hình ảnh cho thị trường chứng khoán trong nước. Khi có nhiều nhà đầu tư biết hơn và quan tâm tới các cổ phiếu, thì có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục bước theo con đường thành công đó.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam