Cổ phiếu “bank” nào sẽ hưởng lợi khi Thông tư 03 có hiệu lực?

17:52 | 21/04/2021 Print
Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành là một trong những trợ lực hỗ trợ tích cực cho xu hướng tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây. Theo các chuyên gia, mặc dù không đồng đều, nhưng thông tư này sẽ còn hậu thuẫn cho nhiều cổ phiếu ngân hàng thu hút tốt dòng tiền thời gian tới.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Thanh - chuyên viên phân tích, Khối Phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).

* PV: Thưa bà, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian qua. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn từ đầu năm tới nay? Đâu là nguyên nhân hỗ trợ diễn biến đó đối với cổ phiếu nhóm này?

Cổ phiếu “bank” nào sẽ hưởng lợi khi Thông tư 03 có hiệu lực?
Trong năm 2021, chúng tôi kỳ vọng nhóm các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc sẽ tạo đòn bẩy để phục hồi nhanh hơn trong khoảng thời gian hậu Covid (VCB, MBB, TCB). Ngoài ra, một số ngân hàng có “câu chuyện riêng” như lọt vào các rổ chỉ số (ACB), có thể thực hiện thoái vốn công ty con (VPB), ghi nhận các “deal” bảo hiểm độc quyền (CTG, MSB) vẫn có khả năng thu hút thêm dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Phương Thanh

- Bà Nguyễn Thị Phương Thanh: Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có những tăng trưởng tích cực trong khoảng 1 năm gần đây. Nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng từ 50% đến hơn 4 lần chỉ trong một năm qua.

Một phần nguyên nhân đến từ sự tích cực của TTCK hấp dẫn thêm dòng tiền nhàn rỗi trong xã hội và các quỹ đầu tư mới. Một phần nguyên nhân khác là nhờ các ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ổn định và có tăng trưởng lợi nhuận tốt kể cả khi trong thời điểm bùng phát dịch bệnh.

Ví dụ như CTG, mặc dù đã cắt giảm gần 5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận trước thuế +43% so với cùng kỳ; hay như trong nhóm NHTM cổ phần tư nhân ghi nhận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ: VIB (+42%), VPB (+26%), TCB (+22,3%),…

* PV: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Bà đánh giá thế nào về tác động của thông tư này tới các ngân hàng?

- Bà Nguyễn Thị Phương Thanh: Chúng tôi cho rằng, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN hiện mới quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo thời hạn đã được cơ cấu, có nghĩa các TCTD sẽ phải thực hiện trích lập như thông thường khi các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn. Điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các NHTM có số dư nợ tái cơ cấu lớn (BID, VPB) vào thời điểm các khoản nợ hết được gia hạn trả nợ lãi (cụ thể là trong năm 2021 theo lộ trình).

Tuy nhiên, với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, chúng tôi kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu được mở rộng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng là không đáng kể.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều NHTM đã dừng mở rộng danh mục nợ được tái cơ cấu do những lo ngại về quy định thời gian của Thông tư 01 trước đó (chỉ cho tái cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng khi Thủ tướng công bố hết dịch). Cụ thể, theo số liệu của NHNN đến giữa tháng 11/2020 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoản trên 341.800 tỷ đồng dư nợ, không tăng nhiều so với con số 321.000 tỷ đồng đã thống kê vào giữa tháng 9.

nợ xấu ngân hàng
Thông tư 03 sẽ giảm bớt áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2021 – 2023. Ảnh: Duy Dũng.

* PV: Còn với cổ phiếu ngân hàng, bà dự báo sự tác động của Thông tư 03 sẽ như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Phương Thanh: Đối với các cổ phiếu trong ngành ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng 3 ngân hàng VPB, BID và HDB sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ Thông tư 03 này.

BID hiện tại là một trong 2 ngân hàng có giá trị nợ tái cơ cấu lớn nhất trong ngành, cùng với chi phí dự phòng của BID luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập hoạt động (2020: 47%). Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng Thông tư mới ban hành sẽ giải tỏa rất nhiều áp lực về chi phí dự phòng với BID.

Đối với VPB, HDB, với mô hình cho vay chủ yếu là tài chính tiêu dùng, tập khách hàng của VPB, HDB chịu tác động tiêu cực rất lớn từ đại dịch. Để hỗ trợ khách hàng, VPB và HDB này đã thực hiện tái cơ cấu với số dư nợ lần lượt là 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,6% tổng dư nợ ngân hàng) và hơn 6 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,4% tổng dư nợ ngân hàng). Vì vậy, áp lực về dự phòng với ngân hàng khi số nợ tái cơ cấu hết thời hạn được gia hạn đối với các ngân hàng trên là rất lớn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng việc giãn lộ trình trích lập dự phòng với số nợ tái cơ cấu sẽ tạo nền tảng cho các ngân hàng trên củng cố lợi nhuận, cải thiện chất lượng tài sản.

Với một số ngân hàng khác cũng thực hiện tái cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng như MBB, ACB, TCB, CTG, chúng tôi nhận thấy Thông tư 03 sẽ có tác động tích cực nhẹ lên các ngân hàng này này khi tỷ lệ nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ khá thấp (0,5 – 3%). Cùng với đó, chi phí dự phòng thường chiếm một tỷ trọng khá nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng trên.

* PV: Nhìn về dài hạn từ nay tới cuối năm, bà nhận định thế nào về kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm nay? Đâu là cơ hội để các ngân hàng duy trì đà tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận?

- Bà Nguyễn Thị Phương Thanh: Cho năm 2021, chúng tôi xây dựng kịch bản cơ sở với tăng trưởng tín dụng đạt 13 - 14% dựa trên các kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thúc đẩy doanh nghiệp vay vốn mới cho hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhu cầu tín dụng trong năm nay. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong quý I/2021 tăng 13% so với cùng kỳ lên 68,1 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ có sự phục hồi mạnh so với 2020 nhờ: (1) Lãi cận biên (NIM) cải thiện khi các hoạt động kinh doanh trở lại mức bình thường trước dịch, giúp các ngân hàng thu được lãi từ các khoản nợ tái cơ cấu; (2) Các ngân hàng tiếp tục cải thiện tỷ lệ chi phí/thu nhập ở mức 38% toàn ngành hiện tại xuống mức thấp hơn.

Tuy nhiên, vấn đề về nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho lợi nhuận của các ngân hàng trong các năm tới. Bởi vì, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành giảm từ 1,7% năm 2019 xuống 1,6% năm 2020, tuy nhiên phần nợ xấu này chưa tính đến khoảng 350 nghìn tỷ đồng nợ đã được tái cơ cấu trong năm 2020. Do đó, các ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ về nợ xấu.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam