Giao dịch hào hứng, thanh khoản thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới

16:03 | 13/04/2021 Print
Nhà đầu tư từ hôm qua đến nay đã thể hiện rất hào hứng với khả năng đáp ứng thanh khoản 20.000 tỷ đồng của hệ thống giao dịch HoSE. Các topic lạc quan bùng nổ trên nhiều diễn đàn. Bất ngờ hôm nay một màn "đánh úp" xuất hiện với thanh khoản kỷ lục mới.

CKNeo VIC tăng, xả toàn thị trường

Việc nâng công suất hệ thống giao dịch để có thể đạt thanh khoản 20.000 tỷ đồng được nhà đầu tư xem là “cởi trói” phần nào cho nguồn tiền khổng lồ đang đứng ngoài. Quả thực hôm nay giao dịch cực kỳ sôi động từ rất sớm. Mới mở cửa VN-Index đã tăng vọt 0,8% và cứ thế lên cao hơn cho tới gần 10h30 và tăng tới 1,24% so với tham chiếu.

Đóng góp lớn nhất cho sự hưng phấn này là đột biến giá ở VIC. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã gây bất ngờ bằng mức tăng kịch trần. Hôm qua VIC đã tăng 5,7%, nên hôm nay có lẽ nhiều người nghĩ VIC sẽ điều chỉnh hơn là tăng tiếp. Thế nhưng đà tăng còn mạnh hơn nữa. Lần gần nhất VIC kịch trần là đầu tháng 2 vừa qua.

VIC tăng mạnh đương nhiên kéo vọt các chỉ số lên. Tuy nhiên, nếu như VIC vẫn tăng mà chỉ số quay đầu lao xuống thì đó được coi là diễn biến xấu. Nửa sau của phiên sáng nay thị trường đã xấu như vậy. VIC vẫn tăng hết biên độ, nhưng VN-Index thì trượt dần và rơi xuống dưới tham chiếu ngay gần 11h. Thị trường sau đó có một chút phục hồi, nhưng cuối cùng thì mức giảm vẫn được duy trì hết buổi chiều.

Cần nhấn mạnh là VIC vẫn tăng trong suốt thời gian, thậm chí là kịch trần đến tận 2h chiều mới bắt đầu tụt xuống một chút. VIC đóng cửa vẫn tăng 6,59% so với tham chiếu, nhưng VN-Index thì đã giảm 0,33% tương đương 4,12 điểm. Nếu VIC tụt xuống tham chiếu thì VN-Index sẽ giảm khoảng 13 điểm. Nếu VIC giảm, thị trường có thể rơi vào hỗn loạn vì chỉ số giảm quá nhiều.

Vì vậy VIC gần như là một yếu tố giảm sốc của phiên này. Đỡ chỉ số không giảm nhiều tạo cảm giác thị trường vẫn tương đối ổn định. Tuy vậy, nếu nhìn qua cổ phiếu thì tình hình khá xấu. Sàn HSX có khoảng 130 mã giảm trên 2%. Ngay trong nhóm VN30, tuy chỉ số chính giảm chưa tới 1 điểm (0,07%) nhưng 16 mã giảm trên 1%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết là giảm mạnh, trừ VPB tăng 1,43% và TPB tăng 1,54%. Còn lại các mã ngân hàng lớn nhất giảm nhiều nhất: VCB giảm 1,42%, CTG giảm 2,66%, BID giảm 2,46%, TCB giảm 1,3%, STB giảm 3,2%. Nhóm dầu khí đóng góp GAS giảm 2,16%, PLX giảm 1,79%.

Vẫn có khá nhiều mã đầu cơ đi ngược dòng, thậm chí còn tăng mạnh và giao dịch hàng triệu đơn vị như TGG, ROS, AMD, HAI, ITA... nhưng đó chắc chắn không đại diện được cho thị trường. Nếu VN-Index tiếp tục giảm nhiều hơn thì sớm muộn các mã đầu cơ cũng sẽ bị xả hàng.

Thanh khoản tăng vọt

Đến phiên hôm nay thì tất cả các nhà đầu tư đều đã biết rằng hệ thống giao dịch của HSX đã được cải thiện và dư địa thanh khoản cao hơn. Do đó ngay buổi sáng sàn này đã khớp lệnh tới hơn 16,8 ngàn tỷ đồng và lệnh vào vẫn rất trơn tru.

Khả năng đáp ứng lệnh tốt hơn nghĩa là có dư địa cho dòng tiền mua bán mạnh hơn. Đây là điều tốt đối với cả hai: Người mua dễ đặt lệnh hơn mà không sợ nghẽn, trong khi người bán biết rằng có thể xả được khối lượng lớn hơn. Có lẽ hôm nay nhà đầu tư đã xả nhiều hơn mua, bằng chứng là thanh khoản tăng tới 22% ngay trong buổi sáng và cả phiên tăng 2,2% ở sàn HSX, đồng thời giá cổ phiếu lại giảm hàng loạt.

Điều bất ngờ là thực ra cổ phiếu đa số không tăng bao nhiêu trong hai phiên vừa qua, dù VN-Index vượt đỉnh lịch sử. Trong khi đáng lẽ hệ thống cải thiện, thị trường vượt đỉnh thì nhu cầu mua phải cao hơn. Thực tế nhu cầu bán lại cao hơn. Thay vì trông đợi thị trường tiến tới các mốc cao hơn mà nhiều công ty chứng khoán chỉ ra thì nhà đầu tư lại chọn cách xả hàng. Áp lực này không hề nhỏ vì hệ thống đã có thể tải lệnh lớn hơn.

chứng khoán 13-4

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.423 tỷ đồng (+2%)

977,6 triệu (+14%)

3.911 tỷ đồng (+27%)

227,3 triệu (+24%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam