VN-Index vượt ‘đỉnh’, kỳ vọng có nhiều công ty chứng khoán ‘tỷ đô’ xuất hiện

18:19 | 09/04/2021 Print
Dự báo VN-Index còn tăng tích cực, với thanh khoản cao hơn nhiều 2020, nên cổ phiếu chứng khoán còn nhiều dư địa tăng. Ngoài SSI là công ty chứng khoán đầu tiên cho đến thời điểm này có vốn hóa chạm mức “tỷ đô”, thì thị trường có thể xuất hiện thêm nhiều công ty chứng khoán “tỷ đô” khác.

Đây là chia sẻ của bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) khi trao đổi với phóng viên TBTCO về triển vọng của các cổ phiếu ngành chứng khoán năm nay.

* PV: Diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) đang tạo kỳ vọng cho các công ty chứng khoán (CTCK) lãi bứt phá. Bà đánh giá dự báo thế nào về kết quả kinh doanh (KQKD) của các CTCK niêm yết quý I/2021?

- Bà Hoàng Việt Phương: Ngành chứng khoán dự kiến có KQKD khả quan trong quý I/2021 nhờ mặt bằng lãi suất thấp và sự kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Riêng với SSI, lợi nhuận quý I dự báo rất khả quan, cao hơn hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kinh doanh hiệu quả.

VN-Index vượt ‘đỉnh’, kỳ vọng có nhiều công ty chứng khoán ‘tỷ đô’ xuất hiện
Với triển vọng tích cực về doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu các CTCK dự kiến còn nhiều dư địa gia tăng và việc xuất hiện thêm doanh nghiệp vốn hóa “tỷ đô” ngoài Chứng khoán SSI là điều chắc chắn thành hiện thực. Bà Hoàng Việt Phương

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp kỷ lục, TTCK đã thu hút một lượng vốn đầu tư ngày càng tăng kể từ quý III năm ngoái. Sang đến quý I/2021, theo thống kê của chúng tôi, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1,09 triệu tỷ đồng, tăng 43% so với quý IV/2020, tăng 280% so với quý I/2020 và bằng 58% giá trị giao dịch cả năm 2020. Điều này giúp gia tăng thu nhập từ phí môi giới cho các CTCK.

Riêng với SSI, chúng tôi ước tính, doanh thu phí môi giới chứng khoán của SSI tăng trưởng hơn 250% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước cũng tăng trưởng gần 70% so với cùng kỳ.

Với hoạt động bán ròng của khối ngoại thời gian qua, thị trường chứng kiến sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tỷ lệ giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng mạnh trong năm 2020 (88,9%) và tiếp tục tăng lên 91% trong quý I năm nay. Do đối tương nhà đầu tư sử dụng dịch vụ vay ký quỹ phần lớn là NDT cá nhân, cùng với tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị giao dịch, dư nợ cho vay ký quỹ bình quân của các CTCK cũng tăng mạnh trong 2020 và tiếp tục gia tăng mạnh so với cùng kỳ trong quý I/2021. SSI tiếp tục là CTCK có mức tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng với mức bình quân trong quý I/2021 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 68% so với bình quân trong quý IV/2020 và 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư gia tăng cũng giúp các CTCK tăng thu nhập từ dịch vụ tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu cho các doanh nghiệp. Thu nhập từ hoạt động tự doanh cũng tích cực nhờ thị trường diễn biến thuận lợi. Mảng nghiệp vụ tư vấn phát hành cổ phiếu và M&A dự kiến sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

* PV: Với triển vọng rất sáng của TTCK năm nay, liệu thị trường có xuất hiện thêm các doanh nghiệp vốn hóa “tỷ đô” là các CTCK hay không, thưa bà?

- Bà Hoàng Việt Phương: Chúng tôi dự báo VN-Index năm nay duy trì đà tăng tích cực, với thanh khoản duy trì ở mức cao hơn nhiều so với 2020. Với triển vọng tích cực về doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu các CTCK dự kiến còn nhiều dư địa gia tăng và việc xuất hiện thêm doanh nghiệp vốn hóa “tỷ đô” ngoài Chứng khoán SSI là điều chắc chắn thành hiện thực.

SSI
Tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân trong quý I/2021 của SSI đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 68% so với bình quân trong quý IV/2020.

* PV: Theo bà, năm nay liệu các CTCK có tự tin hơn trong việc đặt chỉ tiêu kinh doanh cao hay không, thưa bà?

- Bà Hoàng Việt Phương: Dựa trên các tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2021, mức tăng lợi nhuận trước thuế mục tiêu của các CTCK như sau: VNDirect 29%, HSC 82%, VCI 173%,... Như vậy, các CTCK đều khá tự tin đặt ra chỉ tiêu kinh doanh cao trong năm 2021. Để có thể hiện thực hóa mục tiêu lợi nhuận, nhiều CTCK đang tích cực triển khai các kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hoặc tối ưu hóa nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Ngành chứng khoán có đặc thù là KQKD có sự tương quan cao với diễn biến về điểm số và thanh khoản của thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, thời gian gần đây, mảng nghiệp vụ phát hành, kinh doanh và phân phối trái phiếu doanh nghiệp, vốn có biên lợi nhuận ổn định hơn, đang được các CTCK tích cực triển khai để vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng, vừa gia tăng nguồn thu nhập cho công ty.

* PV: Vậy theo bà, cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành chứng khoán năm nay thế nào?

- Bà Hoàng Việt Phương: Các cổ phiếu CTCK niêm yết đã tăng trung bình 48% kể từ đầu năm. Trong đó có một số lớn cổ phiếu thị giá thấp tăng từ 2 đến hơn 3 lần, phản ánh kỳ vọng KQKD tốt trong năm nay.

Như đã đề cập ở trên, chúng tôi dự báo VN-Index năm nay có thể tăng lên mức 1.350 – 1.400 điểm, với thanh khoản duy trì ở mức cao hơn nhiều so với 2020. Các CTCK cũng có ưu thế trong việc mở rộng dư nợ cho vay ký quỹ vì hoạt động cho vay chứng khoán tại các ngân hàng bị hạn chế (tối đa 5% vốn điều lệ của ngân hàng).

Do vậy, với triển vọng tích cực về lợi nhuận trong năm nay và tiềm năng tăng trưởng lớn trong các năm sau đó, cổ phiếu CTCK vẫn còn nhiều dư địa tăng giá trong thời gian tới

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam