Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

15:22 | 09/04/2021 Print
Với việc phá vỡ đỉnh lịch sử tháng 4/2018, chỉ số VN-Index đã xác nhận xu hướng tăng không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Theo đó, thị trường sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, với mục tiêu có thể là vùng 1.400 điểm.

Đây là chia sẻ của ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán vừa trải qua cột mốc quan trọng, khi vượt đỉnh lịch sử với chỉ số VN-Index tăng cao. Theo ông đâu là những yếu tố hỗ trợ giúp thị trường vượt đỉnh?

Với việc phá vỡ đỉnh lịch sử tháng 4/2018, chỉ số VN-Index đã xác nhận xu hướng tăng không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Theo đó, thị trường sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, với mục tiêu có thể là vùng 1.400 điểm.

mr hieu

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Phiên giao dịch ngày 1/4/2021 đánh dấu cột mốc quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh trong quá khứ (ngưỡng 1.211 điểm hình thành vào tháng 4/2018) để hình thành một vùng đỉnh mới. Có nhiều nguyên nhân giúp chỉ số có sự bứt phá trong giai đoạn này, nhưng quan trọng nhất là việc kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng trong quý I.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,48% trong quý I, trong bối cảnh lạm phát được giữ ở mức thấp, CPI tăng 1,2%. Đặc biệt xuất nhập khẩu đều có sự tăng trưởng, xuất khẩu đạt 77,3 tỷ USD, tăng 22%, nhập khẩu đạt 75,3 tỷ USD, tăng 26% qua đó giúp Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD trong quý I.

Chính những thông tin này đã tạo ra tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư giúp thị trường vượt đỉnh lịch sử trong giai đoạn qua.

Ngoài ra cũng có thể kể đến tác động của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Thông tư này hướng đến hỗ trợ những doanh nghiệp chịu tác động từ dịch COVID-19. Theo đó, các khoản nợ sẽ tiếp tục được cơ cấu cho đến cuối năm nay.

Thông tư có ảnh hưởng tích cực đến các cổ phiếu ngân hàng, nhóm này có tỷ trọng lớn nhất trên thị trường, nên cũng gián tiếp giúp thị trường có sự bứt phá.

* PV: Những phiên giao dịch gần đây nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay lại mua ròng sau thời gian bán ròng liên tiếp. Theo ông điều gì đã thu hút nhà đầu tư ngoại quay lại mua ròng?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Từ đầu năm đến nay khối ngoại bán ròng hơn 13 nghìn tỷ đồng, đặc biệt bán mạnh vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn, VNM, HPG, CTG, POW, VCB, và MSN đều bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng, đặc biệt VNM bị bán trên 4.000 tỷ đồng. Cá biệt, khối này có tới 24 phiên bán ròng sau tết. Xu hướng bán ròng này có thể tạo ra áp lực không nhỏ đến thị trường. Nhưng cần nhìn giai đoạn giao dịch này trong một bức tranh lớn hơn, chúng ta sẽ nhận thấy đây chỉ là giai đoạn cơ cấu danh mục của khối.

Thứ nhất, từ năm 2007 đến 2020, khối ngoại chỉ bán ròng trong 2 năm là 2016 và 2020 với giá trị lần lượt là 6 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng, các năm còn lại khối ngoại đều mua ròng, tổng lại sau 14 năm khối này mua ròng đến hơn 105 nghìn tỷ đồng. Sau khi bán ròng khối này vẫn giữ lượng tiền mặt cao trên tài khoản mà không rút về nước, cho thấy việc bán ra 18 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và 14 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2021 chỉ là cơ cấu danh mục và nhóm này hoàn toàn có thể tăng mạnh giải ngân trong tương lai.

Thứ hai, cổ phiếu hấp dẫn để khối ngoại có thể đầu tư không còn nhiều. Hiện những cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn không còn nhiều, khối ngoại trở nên khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu để có thể đầu tư. Tính riêng các cổ phiếu trong VN30 thì có 20 cổ phiếu có trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) trên 50%, 10 cổ phiếu có FOL trên 80%. Do đó, việc cơ cấu lại danh mục ở giai đoạn hiện tại là điều cần thiết.

Thứ ba, sự thiếu đa dạng trong các sản phẩm để khối này đầu tư cũng phần nào tác động đến việc mua bán của khối. Nếu tính từ đầu 2020 đến nay khối ngoại liên tục bán ròng nhưng lại giải ngân mạnh vào một số cổ phiếu của các ETF nội, đặt biệt là quỹ ETF VFMVN DIAMOND. Khối này đã mua 4,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và 3,2 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2021.

Cần lưu ý ETF VFMVN DIAMOND có cổ phiếu thành phần là những mã kín room và khối ngoại không thể mua trực tiếp được. Việc mua chứng chỉ quỹ ETF VFMVN DIAMOND là một hình thức sở hữu gián tiếp những cổ phiếu kín room này. Diễn biến ngược chiều của dòng vốn trên thị trường và ETF VFMVN DIAMOND là bằng chứng cho thấy sự hấp dẫn của những tài sản đáp ứng được nhu cầu của khối ngoại có thể làm khối này giải ngân trở lại trên thị trường.

Thứ tư, mục tiêu chính của dòng vốn ngoại khi đầu tư vào Việt Nam là tìm kiếm lợi nhuận. Nếu các cổ phiếu trên sàn quay lại vùng giá hấp dẫn thì khối này vẫn sẽ giải ngân trở lại.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường tháng 4? đâu là những yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Với việc phá vỡ đỉnh lịch sử tháng 4/2018, chỉ số VN-Index đã xác nhận xu hướng tăng không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Theo đó, thị trường sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, với mục tiêu có thể là vùng 1.400 điểm.

Trong thời gian tới chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng tăng, có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Nhưng nhịp điều chỉnh này có thể là cơ hội giải ngân cho những vị thế dài hạn của nhà đầu tư. Những yếu tố hỗ trợ thị trường có thể kể đến như Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Bên cạnh đó, nền kinh tế phục hồi trở lại và kết quả hoạt động kinh doanh và mùa đại hội cổ đông năm 2021 sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam