Thị trường chứng khoán: Xung lực từ dòng tiền mới sẽ thúc đẩy thị trường tiến cao hơn

15:02 | 07/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thị trường chứng khoán đã khẳng định được đà tăng mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.200 điểm khá chắc chắn. Nhiều dự báo cho thấy, thị trường chứng khoán tháng 4 này sẽ tiếp nối xung lực mạnh của tháng 3 và hiện có, để chinh phục đỉnh cao mới.

ck

Dòng tiền trong nước vẫn là động lực chính cho thị trường giai đoạn tới.

Dòng cổ phiếu ngân hàng và động lực từ dòng tiền được dự báo sẽ là “chất xúc tác” đẩy thị trường tăng trưởng trong thời gian tới.

Đà tăng sẽ duy trì từ xung lực mạnh mẽ của dòng tiền

Báo cáo vừa mới phát hành của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong một năm qua (31/03/2020 – 31/03/2021), khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với giá trị lũy kế hơn 29.379 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia của công ty này không xem đây là rủi ro đáng kể nhờ vào sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước và các quỹ nước ngoài mới.

bck

Mới đây, quỹ ETFs mới đến từ Đài Loan - Fubon FTSE Vietnam ETF do Fubon Financial Holdings quản lý,đã được thành lập vào ngày 16/3/2021. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Fubon FTSE Vietnam ETF đã tiến hành IPO và huy động được 5,28 tỷ TWD (đô la Đài Loan - khoảng 4.279 tỷ đồng). Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến huy động tối đa 10 tỷ TWD (khoảng 8.100 tỷ đồng) để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Do quỹ này tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam 30 Index nên VDSC kỳ vọng dòng vốn này sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhóm cổ phiếu VN30 (chiếm 40 - 50% giá trị giao dịch của VN-Index) trong thời gian tới và góp phần củng cố đà tăng của VN-Index.

Các chuyên gia của VDSC cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu “họ Vin” là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Trong khi “nhóm Vin” đang có những câu chuyện riêng, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có nền tảng tăng trưởng khá rõ ràng.

Cụ thể, VDSC dự đoán, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi là 26% trong năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi dự kiến tăng 17%. Ngoài ra, hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) có thể tăng nhẹ, nhưng chi phí dự phòng sẽ giảm vừa phải (-2%), điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận. Kết quả kinh doanh quý I còn khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 115% nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng tăng trưởng âm. Do đó, “kỳ vọng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng là câu chuyện đáng chú ý hỗ trợ đà tăng của thị trường trong tháng 4” – VDSC nhấn mạnh.

VN-Index hướng đến mốc 1.300 điểm

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa phát hành cho biết, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) cuối quý I ở mức 18,5 lần, tăng nhẹ so với mức 18,4 lần ở cuối năm 2020, cao hơn 13,7% so với P/E bình quân 5 năm (16,27 lần). Tuy nhiên, theo chuyên gia của BSC, mức P/E này vẫn khá thấp so với khu vực châu Á. P/E VN-Index được BSC dự báo tiếp tục tăng lên mức 19,3 lần trong quý II.

Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng phần nào cho thấy sự thận trọng nhất định của những nhà đầu tư quốc tế trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch chiếm 82,1% thị trường so với mức bình quân 79,6% trong một năm. Động lực mua xuất hiện tại khu vực quanh 1.150 điểm cho thấy nhà đầu tư đang khá chủ động với diễn biến thị trường hiện tại.

Về dự báo thị trường chứng khoán quý II, BSC cho rằng, VN-Index duy trì đà tăng trung hạn và hướng tiếp về khu vực quanh 1.300 điểm vào khoảng cuối tháng 5 và kết thúc tháng 6 ở trên ngưỡng 1.250 điểm. Tuy vậy, vận động tăng sẽ chia thành các nhịp sóng nhỏ với những đợt điều chỉnh ngắn hạn trước khi tiếp tục xu hướng đi lên.

“Các thị trường thế giới dự báo giữ được trạng thái tăng kéo dài từ năm ngoái nhưng sẽ là nhịp tăng từ từ và ổn định trong bối cảnh kinh tế tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách của các ngân hàng trung ương lớn. Quá trình thử nghiệm vắc-xin mới cũng như phân phối vắc-xin đã kiểm duyệt được đẩy mạnh hơn, hỗ trợ tâm lý thị trường. Cùng với đó, việc các quốc gia triển khai hộ chiếu vắc-xin cũng sẽ giúp ngành du lịch và lưu trú có sự hồi phục tốt hơn” – các chuyên gia BSC phân tích thêm về các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán quý II.

Trong khi đó, các chuyên gia của VDSC thì ưu tiên phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong giai đoạn này của thị trường, khi VN-Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý từ đầu tháng 4. Cụ thể, VDSC tập trung vào các cổ phiếu có “kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi” và có kỳ vọng tăng trưởng rõ ràng trong năm 2021. Sau khi mùa đại hội cổ đông 2021 kết thúc, thị trường sẽ rơi vào vùng “trống thông tin”. Do đó, động lực thúc đẩy thị trường trong thời điểm cuối tháng 4 và tháng 5 sẽ cần được xem xét lại.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam