Bàn giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam trong kỷ nguyên mới

15:39 | 30/03/2021 Print
Phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.

huy dong von

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Ảnh: H.Q

Đây là nội dung được đưa ra tại diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, do Tạp chí Kinh tế và dự báo tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/3.

Cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Lệ Thủy - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và dự báo cho biết, sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK), cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, TTCK Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chưa đạt kỳ vọng. Mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường hạn chế làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển TTCK Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, 20 năm qua, TTCK Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển tới đây.

Còn ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.

Đa dạng hóa hình thức huy động vốn

Để phát triển thị trường vốn trong bối cảnh mới, theo ông Nguyễn Tú Anh, cần tập trung các giải pháp nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.

“Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK; triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xem xét, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên TTCK; ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập…” - ông Tú Anh chia sẻ.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, đối với thị trường trái phiếu cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, phát hành riêng lẻ để thi hành cùng Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/1/2021.

“Đối với thị trường tiền tệ, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một mặt cần duy trì môi trường lãi suất thấp, mặt khác cũng cần phải củng cố uy tín, độ tin cậy của NHNH trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ. Việc duy trì lãi suất thấp và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, qua đó cũng sẽ giảm áp lực lên lạm phát khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp có thể giúp các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn có điều kiện thuận lợi tăng vốn đáp ứng các yêu cầu đủ vốn theo nguyên tắc Basel II” - ông Tú Anh cho hay.

Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để phát triển hơn nữa thị trường vốn cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan, chú trọng phát triển trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn gắn với niêm yết; đồng thời, nâng cao năng lực giám sát rủi ro hệ thống, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường.

“Cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý" - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam