HOSE thông tin chính thống về tình trạng quá tải hệ thống giao dịch

11:50 | 30/03/2021 Print
Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có thông tin chính thống về tình trạng quá tải hệ thống giao dịch trên HOSE và một số giải pháp khắc phục. Theo đó, HOSE đã thông tin tổng thể về hàng loạt vấn đề mà dư luận và nhà đầu tư đang rất quan tâm.

Không phải công ty chứng khoán nào cũng nghẽn

Thông tin từ HOSE cho biết, từ tháng 12/2020, tại một số phiên giao dịch trên HOSE đã ghi nhận tình trạng một số công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là các CTCK có nhiều khách hàng, không gửi lệnh được vào hệ thống giao dịch của HOSE trong những phiên giao dịch có thanh khoản lớn. Tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng đột biến số lệnh từ các CTCK vào sàn.

Theo thống kê của HOSE, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến. Theo đó, trong TOP 20 CTCK hàng đầu, có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5 - 6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13 - 18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống.

Hệ thống giao dịch của HOSE có công suất thiết kế là 900.000 lệnh. Hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các CTCK, trong đó: hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng. 80% còn lại phân bổ cho CTCK theo 2 vòng. Vòng 1, phân bổ đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các CTCK đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động). Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được phân bổ dựa theo số lệnh trong quá khứ của từng công ty và toàn thị trường. Cách phân bổ này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành.

Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn được sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một CTCK nào đó, có thể gây “sập” hệ thống của sở. Các nguyên tắc phân bổ lệnh giao dịch là thiết kế và tính năng sẵn có của hệ thống, HOSE hiện tại không can thiệp để thay đổi được.

Thông tin về việc tại sao khi tình trạng quá tải hệ thống xảy ra, một số nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường, HOSE cho biết, với cơ chế phân bổ đều cho mỗi CTCK khoảng 3.000 lệnh ngay từ đầu ngày, do vậy khi xảy ra tình trạng quá tải hệ thống ở một số CTCK lớn, thì tại một số CTCK nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường do các CTCK này chưa dùng hết số lệnh được phân bổ.

Nhiều giải pháp đã được triển khai

HOSE cho biết, trước tình trạng quá tải hệ thống, HOSE đã thực hiện việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán từ ngày 4/1/2021 nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Giải pháp này đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 – 18% như dự kiến.

HOSE cũng thông tin thêm, giải pháp nâng lô giao dịch 100 chứng khoán là một trong những giải pháp HOSE đã đề xuất với cơ quan quản lý, nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Giải pháp này đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Ngày 3/3/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã có văn bản hướng dẫn HOSE, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE ra HNX. Theo đó, các doanh nghiệp niêm yết có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX sẽ được các đơn vị liên quan hỗ trợ tối đa.

Về tình trạng một số CTCK giao dịch sử dụng robot (giao dịch thuật toán) để đặt lệnh; hay một số CTCK chỉnh sửa hệ thống theo đó làm phát sinh các lỗi làm ảnh hưởng đến hệ thống, HOSE cho biết, đã báo cáo UBCKNN để họp và nhắc nhở, khuyến cáo các CTCK không được sử dụng giải pháp đặt lệnh qua robot trong giai đoạn này để giảm tải hệ thống. Giải pháp này rất cần ý thức và sự hợp tác của các công ty chứng khoán thành viên.

HOSE giám sát quá trình thay đổi hệ thống của CTCK. Trường hợp phát hiện nguy cơ hệ thống của CTCK gây bất ổn cho hệ thống của HOSE, các biện pháp ngăn chặn sẽ được áp dụng, bao gồm việc tạm thời ngắt kết nối của CTCK. CTCK muốn thay đổi chức năng hệ thống giao dịch, thay đổi cấu trúc của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho giao dịch trực tuyến, thay đổi nhà cung cấp giải pháp, thay đổi địa điểm kết nối giao dịch trực tuyến phải báo cáo và được HOSE chấp thuận.

HOSE đã thực hiện công bố thông tin rộng rãi ra toàn thị trường, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp niêm yết tự nguyện chuyển giao dịch cổ phiếu sang HNX. Đây là cơ chế tạm thời nhằm giảm tải cho hệ thống.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tự nguyện chuyển giao dịch tạm thời

Thông tin về vấn đề này, HOSE cho biết đã cùng các đơn vị liên quan là HNX và VSD đã thống nhất quy trình phối hợp thực hiện việc chuyển giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch. HOSE sẽ tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp thực hiện việc chuyển giao dịch một cách nhanh nhất.

Đối với các hồ sơ đăng ký niêm yết mới, HOSE sẽ giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ ràng với tình trạng quá tải hiện nay thì cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tạm thời giao dịch trên HNX.

Về các thủ tục mà doanh nghiệp cần khi chuyển giao dịch tạm thời, trước tiên, khi có nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) hay đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), doanh nghiệp cần công bố thông tin theo đúng qui định.

Về hồ sơ rất đơn giản: 1) Đơn đề nghị chuyển giao dịch trong đó nêu rõ ngày dự kiến ngừng giao dịch trên HOSE; 2) Nghị quyết HĐQT hoặc ĐHCĐ thông qua việc chuyển giao dịch qua HNX. Thời gian tối đa để xử lý hồ sơ trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian ngừng giao dịch để chuyển niêm yết từ HOSE sang HNX tối thiểu là 4 ngày.

HOSE cũng cho biết thêm, theo nguyên tắc chỉ số, HOSE sẽ thực hiện đưa các cổ phiếu chuyển giao dịch ra khỏi các bộ chỉ số và đưa cổ phiếu dự phòng vào chỉ số. Việc chuyển giao dịch các cổ phiếu trong các bộ chỉ số sẽ ảnh hưởng lớn đến các Quỹ ETF được xây dựng và hoạt động dựa trên các chỉ số đầu tư do HOSE tính toán, cụ thể: làm tăng chi phí hoạt động của quỹ.

Vì vậy để hạn chế sự xáo trộn, UBCKNN đã có chỉ đạo (tại công văn 713/UBCK-PTTT) tạm thời không xem xét chuyển giao dịch các cổ phiếu trong chỉ số VN30. Các cổ phiếu chuyển sàn nếu nằm trong VNX50 sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng các cổ phiếu nằm trong các bộ chỉ số VN100, VNDiamond và VNFinLead khi chuyển giao dịch sang HNX, các quỹ có thể sẽ phải thực hiện tái cơ cấu danh mục tương ứng. Việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ có thể gián tiếp tác động đến giá của các cổ phiếu trên thị trường.

Đặc biệt, HOSE khẳng định: “Ngay sau khi hệ thống giao dịch tại HOSE thông suốt, HOSE sẽ báo cáo UBCKNN và công bố thông tin thời gian tiếp nhận các cổ phiếu chuyển giao dịch quay trở lại HOSE”.

HOSE và FPT đang xây dựng hệ thống đạt 3 - 5 triệu lệnh/ngày

Thông tin từ HOSE cho biết đang phối hợp với FPT triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN để tạo ra một giải pháp giảm tình trạng quá tải hiện nay của HOSE.

Đây là giải pháp sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và sẽ triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HOSE để có thể thay thế hệ thống khớp lệnh của HOSE. Giải pháp này giảm thiểu việc tác động, thay đổi đối với hệ thống của các CTCK. Mục tiêu đặt ra là hệ thống sẽ xử lý được khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu lệnh một ngày. Đây là giải pháp tối ưu bởi thời gian triển khai cũng như các rủi ro về góc độ hệ thống.

Theo khảo sát, phân tích và đánh giá của FPT, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3 đến 4 tháng.

Thông tin về vấn đề hiện nay số liệu thống kê về lệnh đặt, số lệnh xử lý của hệ thống HOSE được cung cấp mỗi nơi một khác, HOSE cho biết, sở thực hiện việc công bố thông tin đầy đủ theo quy định của pháp luật qua phương tiện công bố thông tin là website của HOSE. Các thông tin trong giờ giao dịch, số liệu thống kê đều được HOSE công bố đầy đủ trên website.

Hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng các công nghệ khác nhau để tự thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng bộ dữ liệu của mình, nhưng do không có thông tin đầy đủ nên có thể xảy ra sự sai lệch. Do vậy, “HOSE khuyến cáo nhà đầu tư và những người quan tâm tới thị trường theo dõi và cập nhật thông tin từ những nguồn chính thống để có các số liệu chính xác, kịp thời” - HOSE nhấn mạnh./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam