Thị trường chứng khoán sẽ ưu tiên cho những câu chuyện dài hơi hơn

14:00 | 24/03/2021 Print
Tác động của kết quả kinh doanh quý I/2021 sẽ không mang tính rộng rãi mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp cụ thể và không kéo dài. Thị trường chứng khoán khả năng sẽ ưu tiên cho những câu chuyện dài hơi hơn như: đà tăng giá hàng hóa, đầu tư công, tiêu dùng nội địa phục hồi...

Đây là nhận định được ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) đưa ra khi trao đổi nhanh với phóng viên TBTCO về diễn biến của thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.

* PV: Sau khi chinh phục mốc 1.200 điểm, đà tăng của chỉ số VN-Index có vẻ giảm nhiệt áp lực bán ra mạnh hơn. Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán trong giai đoạn này?

Xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào việc VN-Index bứt lên khỏi ngưỡng 1.200 điểm hay là mất mốc 1.160 điểm.

Nguyễn Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Thanh Tuấn

- Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Theo tôi, thị trường hiện tại đang ở trong giai đoạn đi ngang với biên độ hẹp và bản thân đang không tạo ra được xu hướng cụ thể. Do vậy, xu hướng trung hạn sẽ phụ thuộc vào việc VN-Index bứt lên khỏi ngưỡng 1.200 điểm hay là mất mốc 1.160 điểm. Chỉ số cũng phản ánh tâm lý của thị trường khi mọi người vẫn đang trông chờ VN-Index vượt được ngưỡng 1.200 nhưng lại chưa dám đặt niềm tin hoàn toàn.

Một yếu tố khác là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng liên tục trong suốt những tháng qua khiến cho nhà đầu tư trong nước thận trọng. Khi nền tảng tâm lý thị trường và niềm tin chưa được định hình rõ ràng, một dấu hiệu dễ nhận thấy là nhà đầu tư thường quan tâm nhiều đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu để đưa ra nhận định cho thị trường Việt Nam thay vì những yếu tố nội tại.

* PV: Đâu là nguyên nhân khiến tâm lý thận trọng hơn trong giai đoạn này, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Theo tôi có một số nguyên nhân chính như khối ngoại bán ròng liên tục, việc nghẽn lệnh chưa được giải quyết và lo ngại về lạm phát trở lại. Cùng với đó, thị trường cũng đã qua giai đoạn công bố kết quả kinh doanh năm 2020, do vậy cũng thiếu những câu chuyện để kể trên thị trường.

* PV: Mốc 1.200 điểm cần thêm thời gian để thử thách vững chắc hơn, nhưng dù gì đi nữa thì cũng không phải yếu tố thanh khoản, bởi dòng tiền trong nước vẫn khả quan. Quan điểm của ông thế nào về thanh khoản và dòng tiền của thị trường giai đoạn này?

- Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng, dòng tiền trong nước vẫn trụ vững trước đà bán ròng của khối ngoại, chứ không thể xem là vẫn đang tích cực nếu so với giai đoạn nửa cuối năm 2020.

Những phiên thị trường tăng mạnh trong giai đoạn vừa rồi cũng chỉ tập trung vào một số nhóm ngành nhất định chứ chưa được đà lan tỏa rộng đến tất cả các ngành. Do vậy, có những phiên dòng tiền chỉ luân phiên tập trung vào một số nhóm ngành, và thường không kéo dài.

* PV: Thị trường đang sắp vào tâm điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021, ông đánh giá thế nào về sự tác động của dòng thông tin này tới thị trường?

- Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kinh doanh của đa phần doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sẽ cải thiện hơn. Tuy nhiên, sự cải thiện này sẽ không quá rõ ràng, bởi trong quý I/2020, dịch Covid-19 chưa tác động nhiều tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà rõ nhất là quý II sau đó.

Do vậy, so với cùng kỳ 2020, kết quả kinh doanh quý I/2021 phục hồi sẽ không phải là câu chuyện mang tính rộng rãi mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp cụ thể và không kéo dài. Thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ ưu tiên cho những câu chuyện dài hơi hơn như: đà tăng của giá hàng hóa, đầu tư công và sự phục hồi của tiêu dùng nội địa...

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam