ETF tái cơ cấu khá mượt, VN-Index chỉ mất gần 7 điểm

15:39 | 19/03/2021 Print
Hôm nay là phiên cả hai quỹ ETF ngoại cùng giao dịch để tái cân bằng danh mục. Điều lo lắng nhất chính là hiện tượng quá tải hệ thống có thể khiến lệnh mua bán đối ứng không vào được và thị trường biến động sốc. Tuy nhiên giao dịch không quá căng thẳng.

CKLệnh mua bán vẫn kẹt?

Hệ thống giao dịch của HSX đã bị quá tải từ đầu phiên chiều và kéo dài đến tận lúc ATC. Khá bất ngờ là vẫn có một số cổ phiếu xuất hiện được khối lượng mua bán rất cao, nghĩa là có lệnh đặt thành công. Chẳng hạn NVL khớp 1,95 triệu cổ đợt ATC, dư mua còn hơn 1,1 triệu cổ. POW khớp được hơn 2,49 triệu cổ. VRE khớp 2,94 triệu cổ... Để có được lượng khớp lớn như vậy thì lệnh phải vào được hệ thống.

Tuy nhiên việc đặt thử lệnh ở một số công ty chứng khoán lại bị nghẽn, ví dụ TCBS, lệnh chờ vào hệ thống HSX đến tận hết phiên vẫn không thành công. Như vậy có thể có nhiều đầu cầu công ty chứng khoán không thông được lệnh. Tổng giá trị khớp lệnh của sàn HSX trong đợt ATC đạt 707,7 tỷ đồng, một con số khá cao so với bình thường, nhưng còn xa mới tương xứng các phiên đảo danh mục ETF (thường đạt trên ngàn tỷ đồng).

Tổng thể phiên ATC giao dịch khá lớn nhưng chắc chắn chưa phản ánh hết nhu cầu mua bán. Do cung cầu bị hạn chế nên giá cổ phiếu biến động cũng không quá nhiều. VN-Index ở đợt ATC chỉ giảm thêm chưa tới 1 điểm so với cuối đợt khớp lệnh liên tục. Trong khi đó, lo ngại chính của ngày hôm nay là lượng bán khổng lồ của các quỹ ETF trong bối cảnh lệnh mua trong nước mắc kẹt thì có thể đẩy giá giảm rất sâu.

VN-Index kết thúc phiên giảm 6,89 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,57%. Tương quan giá nghiêng về phía giảm, với 251 mã đỏ, 193 mã xanh. VN30-Index giảm 0,68% và chỉ có 7 mã tăng nhưng 20 mã giảm.

Riêng hai nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại không bị ảnh hưởng gì nhiều. Midcap ghi nhận mức tăng ở chỉ số tới 1,04% trong khi Smallcap tăng 0,45%. Thanh khoản tăng rất tốt gần 15% ở nhóm Midcap, đạt 4.529,4 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay.

Ảnh hưởng mang tính thời điểm

VN-Index đóng cửa hôm qua đã vượt 1.200 điểm nhưng hôm nay chỉ còn 1.194,05 điểm. Tuy nhiên bước thụt lùi phiên này không phản ánh lo ngại về áp lực bán xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Đây là bước lùi mang tính thời điểm.

Hôm nay các quỹ ETF giao dịch và kế hoạch là phải bán đi khá nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận bán ra 3.287,8 tỷ đồng trên sàn HSX, trong khi mua vào 2.158,6 tỷ đồng. Mức bán ròng như vậy đạt 1.129,3 tỷ đồng. Cổ phiếu thuộc rổ VN30 cũng bị bán ròng 1.178,4 tỷ đồng.

Khối này xả ròng lớn nhất tại POW, VRE, NVL, SSI, HPG, CTG, STB, PVD, VHM, VNM, VCB, TCH, đều tính bằng triệu đơn vị. Nhiều mã trong số này nằm trong danh sách tái cơ cấu, nên lực bán gia tăng là điều có thể dự tính trước.

Nhiều mã bị bán và giảm giá có ảnh hưởng tới chỉ số, như GAS giảm 0,98%, VCB giảm 3,38%, VHM giảm 1,91%, VNM giảm 0,78%, VPB giảm 1,42%, FPT giảm 1,48%, MSN giảm 1,11%, NVL giảm 2,71%, PLX giảm 2,43%, POW giảm 3,25%... Có thể thấy rõ là do nhóm Midcap và Smallcap không bị các giao dịch tái cơ cấu ảnh hưởng, nên biến động giá vẫn khá tích cực.

Do có yếu tố đột biến trong lực bán nên phiên giảm hôm nay không phản ánh diễn biến xấu của thị trường khi VN-Index một lần nữa chạm tới mốc 1.200 điểm. Thực tế nếu hệ thống không bị nghẽn, hôm nay có thể xuất hiện lực cầu đón đỡ mạnh đối với khối lượng bán của ETF.

Thị trường như vậy đã kết thúc sức ép cuối cùng trước khi hướng tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021. Tuy nhiên hệ thống giao dịch thường xuyên nghẽn là rào cản khó thay đổi trong ngắn hạn. Vì vậy thị trường cũng khó tăng một cách bùng nổ được, do dòng tiền không giao dịch một cách tự nhiên. Đà đi lên nếu thành công sẽ chỉ có mức thanh khoản thấp như hiện tại.

chứng khoán 19-3

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.572 tỷ đồng (+8%)

600,9 triệu (+5%)

2.269 tỷ đồng (-14%)

140,3 triệu (-2%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam