Vì sao khối ngoại bán ròng mạnh?

11:26 | 12/03/2021 Print
Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại năm 2021, cũng như khả năng nâng hạng, dòng vốn rút ra trên thị trường chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam.

Đây là nhận định của ông Lê Ngọc Nam - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) khi trao đổi với phóng viên TBTCO về diễn biến giao dịch của khối ngoại thời gian qua.

* PV: Thưa ông, khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trên thị trường thời gian qua. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến giao dịch của khối ngoại từ sau Tết tới nay?

Vì sao khối ngoại bán ròng mạnh?
Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng trong suốt quá trình chỉ số đi lên mạnh mẽ từ mức thấp đầu tháng 4. Do đó, tôi cho rằng, tác động của khối ngoại lên chỉ số không còn lớn như trước. Ông Lê Ngọc Nam

- Ông Lê Ngọc Nam: Khối ngoại có xu hướng bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 10 năm 2020, tuy nhiên tốc độ bán ròng có dấu hiệu tăng dần trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán.

Tính từ ngày 17/2/2021 tới hết ngày 10/03/2021, khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 7.509 tỷ đồng, trong đó có 3 phiên liên tiếp từ 5/3 – 9/3 khối ngoại liên tục bán ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng.

* PV: Theo ông, đâu là các nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh như vậy?

- Ông Lê Ngọc Nam: Thời gian gần đây lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng liên tục từ mức đáy 0,6% lên tới 1,6%, chủ yếu do việc kỳ vọng kinh tế phục hồi, người dân chi tiêu tiền nhiều hơn thúc đẩy giá cả tăng lên tức kỳ vọng lạm phát lớn hơn - làm ra tăng lo ngại như sự kiện “Taper Tantrum” năm 2013 (Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn).

Sự kiện này diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định xoay trục chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt (giảm bớt gói kích thích kinh tế (QE) - ít mua trái phiếu đi) sau một quãng thời gian dài hỗ trợ nền kinh tế khi duy trì lãi ~0%. Phản ứng của thị trường là đường cong lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài trở nên dốc hơn - tăng liên tục. Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất Mỹ tăng làm dòng tiền rút khỏi khác thị trường mới nổi, mang trở lại Mỹ.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy khối ngoại bán ròng mạnh hơn.

TVSI
Ảnh hưởng của khối ngoại tới dòng tiền trên thị trường không còn lớn như trước.

* PV: Mặc dù khối ngoại bán ròng, tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn rất mạnh đến từ khối nhà đầu tư trong nước. Ông đánh giá thế nào về tác động của việc khối ngoại bán ròng mạnh đối với thị trường chứng khoán Việt Nam? Chúng ta có quá lo ngại về việc khối ngoại rút ròng không?

- Ông Lê Ngọc Nam: Sự gia nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư F0 khiến cho tác động của khối ngoại tới thị trường chứng khoán Việt Nam đã phần nào suy giảm.

Thống kê từ tháng 4/2020 tới nay, đóng góp của khối ngoại vào thanh khoản của thị trường giảm mạnh từ 12,8% xuống chỉ còn 8,6%.

Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn duy trì bán ròng trong suốt quá trình chỉ số đi lên mạnh mẽ từ mức thấp đầu tháng 4. Do đó, tôi cho rằng, tác động của khối ngoại lên chỉ số không còn lớn như trước.

Thống kê TVSI cho thấy, mặc dù Việt Nam bán ròng nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, chẳng hạn như: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tại Malaysia -5,3 tỷ USD, Thái Lan -9,6 tỷ USD, Phillippines -2,2 tỷ USD, Indonesia -3 tỷ USD (2020).

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2021, cũng như khả năng thăng hạng lên thị trường mới nổi, tôi cho rằng, dòng vốn rút ra tại thị trường chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

* PV: Theo ông, dòng tiền sẽ quan tâm tới những nhóm ngành nào khi sắp tới sẽ lộ diện dần kết quả kinh doanh quý I/2021?

- Ông Lê Ngọc Nam: Thị trường chứng khoán năm 2021 dự báo sẽ khó có sự tăng giá đồng loạt như những gì xảy ra vào cuối năm 2020. Thay vào đó, tôi cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, các doanh nghiệp dựa trên triển vọng kinh doanh cũng như câu chuyện riêng của các ngành, doanh nghiệp đó.

Đối với kết quả kinh doanh quý I/2021, ngân hàng và chứng khoán vẫn sẽ là những nhóm có triển vọng kinh doanh tốt, do đó sức hấp dẫn đối với dòng tiền vẫn lớn. Ngoài ra những nhóm ngành hưởng lợi từ sự tăng cao của hàng hóa như thép, mía đường, dầu khí cũng dự báo sẽ nhận được sự chú ý của dòng tiền.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam