POW chính thức thông qua nghị quyết thoái toàn bộ vốn tại PVM

14:57 | 04/03/2021 Print
Ngày 4/3/2021, Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã Ck: POW) đã ban hành nghị quyết thông qua phương án chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Máy – Thiết bị Dầu khí (mã Ck:PVM).

Theo đó, số lượng cổ phần bán chuyển nhượng vốn 19.931.430 cổ phần, bằng 100% số cổ phần PV Power đang sở hữu.

Thời gian gần đây nhiều cổ đông, nhà đầu tư quan tâm tới câu chuyện thoái vốn nhà nước của POW tại PVM và cũng nhờ thế mà giao dịch cổ phiếu PVM thời gian gần đây đã trở nên sôi động.

Một trong những lý do mà thương vụ thoái vốn PVM nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư là bởi PVM sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế. Cụ thể, PVM sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam. Hoạt động của 3 công ty liên doanh nói trên đều rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PVM thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt đều đặn: Năm 2016, PVM thu được 100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia; năm 2017 là 84 tỷ đồng; năm 2018 là 80 tỷ đồng và năm 2019 là 81,3 tỷ đồng. Khoản tiền này của 9 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 83 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVM quản lý và sử dụng nhiều bất động sản ở vị trí đắc địa, như 1.828 m2 đất tại số 8 Tràng Thi - Hoàn Kiếm (Hà Nội); lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội).

PVM còn có quyền sử dụng đất vô thời hạn tại thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và liên doanh với Công ty Bách hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza - Hàm Cá Mập). PVM cũng sở hữu 10% vốn góp (giá trị ghi sổ 81,7 tỷ đồng) tại Dự án Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - khu đô thị Nam An Khánh thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội).../.

Mai Tấn

Mai Tấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam